Blast

Có một cầu vồng vô tình bắc ngang qua. Hai ta muốn qua nhưng vô tình lần lữa. Lỡ một lần rồi thêm một lần nữa...


Sunday, October 26, 2008

Ko đâu bằng... nhà mình!

Về nhà!
Những ngày tất bật chưa từng thấy. Mệt. Mắt mỏi dừ mà ko ngủ đc. Thế mới bi kịch.
Từ khi đến tới lúc về, hôm nào cũng mưa. Ko sáng sớm thì chiều tối. Ầm ào. Rả rích. Ti tỉ như mấy đứa trẻ khóc dai, dỗ mãi cũng ko chịu nín. Ở ngay bến Ninh Kiều mà chẳng thảnh thơi ra đấy đi dạo được lần nào! Bi kịch tập 2.
Xong việc lúc 1h sáng. Họp hành và những thứ lặt vặt ko tên. Thêm gần 2 tiếng nữa để có thể nhắm mắt được. Mở mắt ra đã bị giục vì mọi người đang đợi. Ập vào mặt là bài lobby. Ko kịp ăn sáng. Chưa xong thì đã đến hẹn công việc chờ sẵn. Việc để dành lâu dài, nhưng dịp để thực hiện thì chỉ có lúc này thôi. Dồn một cục. Ko kịp ăn trưa. Ngồi hỏi chuyện mà cứ bị giục vì đến giờ lên xe về SG. Ko kịp dọn dẹp đồ. Mỗi người gom phụ 1 món và chờ sẵn, rốt cuộc chẳng biết thiếu thừa cái gì. Lên xe bụng vẫn đói meo. Vật vờ. Vật vờ. Chẳng biết đã đem đi và để những gì ở lại.
Về nhà. Vẫn là cái ổ chuột của mình. Vẫn là cái máy tính khìn khìn, cùi bắp, chạy chậm như ốc sên đội rùa. Vẫn là mẹ với những câu chuyện loanh quanh dòng họ. Rằng một ông nào đó, mà theo bên ngoại thì mình gọi là cháu còn theo bên nội thì mình gọi bằng... anh sắp cưới rồi. Rằng bà chị mừng hụt vì ko đc ra đón mình khi đã chuẩn bị sẵn đồ
và tâm thế. Rằng con cá ba đuôi vẫn ngoe nguẩy đuôi dù mình tưởng nó "ngáp ngáp" cách đây cả tuần và... hầm bà lằng thứ trên đời. Nhưng đúng là nhà mình, ko đâu thoải mái và ấm cúng bằng.
Trời lại tiếp tục mưa. Rỉ rả, rỉ rả... Điều may mắn duy nhất là đến giờ vẫn chưa có dấu hiệu bệnh như những lần đi trước đó. Thanks Ms Tomorrow đã đưa mình về tận nhà!img

Saturday, October 25, 2008

Cái Răng



4h30 phút!
Mùi cây cỏ ẩm ướt sau mưa. Mùi khói bếp hương rạ. Mùi chợ quê ngai ngái. Mùi bánh mì nướng thơm lừng trong sương. Mùi sông nước. Mùi xóm lao động buổi tinh mơ... Hít hà, hít hà...
Gió. Phần phật, phần phật. Lành lạnh. Tinh khôi. Sảng khoái. Muốn hét lên thật to như ở biển Cần Giờ ngày nào. Bao lâu rồi mới có lại cảm giác này?!
Gió, tóc rũ rượi. Tóc ngắn, ngố ngố. Được cái rũ rũ, lắc lắc là lại suông như cũ.
Mấy ngày rồi trời đều mưa, khi rả rích, lúc tầm tã. Sớm tối đều nghe quen tiếng ghe qua lại tành tạch, tành tạch...

Wednesday, October 15, 2008

Qua cơn giông (15/10/08)

Anh biết là em đang nghĩ đến anh
Phải ko?
Có những điều chưa phải đã hay khi nói rõ
Đôi khi chỉ là một giấc mơ chưa tỏ
Nhìn anh và mỉm cười...

Em biết là anh đang quá vui
Sau những lo toan, nhọc nhằn, mất mát
Nước mắt, nụ cười
Những ánh nhìn chưa khi nào nhạt
Luôn dẫn về phía anh

Con đường em đi, con đường tròng trành
Anh níu lại, em chỉ cần có thế
Anh có thể quên đi mọi điều không thể
Em chỉ cần anh cho một khắc
Bình yên

Có thể rồi em chẳng bao giờ có tên
Trên trái tim lưu danh những vì sao tỏa sáng
Chỉ mong có một cuối ngày chạng vạng
Anh mỉm cười như trong giấc mơ em...

Saturday, October 11, 2008

XIN CẠCH ĐÀN ÔNG!



Tôi nghĩ tất cả chị em phụ nữ chúng ta đều giống nhau. Trong lòng mỗi người chúng ta chôn chặt những niềm thương và nỗi nhớ mà chúng ta không thích nói ra. Kể cả niềm thương và nỗi nhớ về mối tình lãng mạn vĩ đại và chàng hoàng tử cưỡi ngựa trắng. Tôi là một người có niềm thương và nỗi nhớ như vậy”.

(Katarzyna Grochola)

***

Ko sex, ko bạo lực, ko giật gân câu khách, cũng ko nghiêm trọng hóa vấn đề, Xin cạch đàn ông gây sự chú ý ngay từ cái tên là lạ và "thấm" vào người đọc bởi cái chất hài hước, nhẹ nhàng.

***

Mọi chuyện trở nên tồi tệ với Judyta – người phụ trách trả lời thư bạn đọc của một tạp chí phụ nữ, khi bị người chồng bỏ rơi với đứa con gái hơn 10 tuổi. Bố mẹ đã ly dị trước đó và thân hình thì xấu xí, béo phị. Trong sự đau khổ với ý nghĩ tất cả đã kết thúc, cô không ngớt nguyền rủa “cựu chồng” cùng ả tình nhân bằng những lời độc địa, ác ý, cay nghiệt…

Thế nhưng sau những cơn oán giận ấy, người phụ nữ 37 tuổi nhận ra cuộc sống vợ chồng của mình tẻ nhạt, vô vị với những quy tắc cứng nhắc, đơn điệu: “Những chuyện chúng tôi đã không làm nhiều hơn cả những chuyện đã làm và rằng những mâu thuẫn vụn vặt ấy sớm muộn gì cũng đưa đến kết cuộc chia tay. Rời Thành phố về vùng quê, nơi mà những tưởng cô không đời nào sống được, Judyta đã làm lại cuộc đời, bắt đầu bằng việc mua đất, xây một căn nhà nhỏ cho hai mẹ con. Cô học cách để một mình tạo dựng nên căn nhà – kiêm luôn vai trò của một người đàn ông với những tủi thân, nữ tính xen lẫn trong sự độc lập, mạnh mẽ: Có người phụ nữ nào biết, bê tông mười lăm và bê tông hai mươi khác nhau thế nào không? Đinh năm phân và đinh bảy phân khác nhau thế nào không?

Châm ngôn cho cuộc sống mới của Judyta là: Sẽ không bao giờ tôi chịu dính đến bất kì một tên thuộc giống loài xa lạ đó nữa. Xin cạch đàn ông. Tất cả đàn ông đều cùng một giuộc”. Với Judyta, tất cả những gì xấu xa nhất đều thuộc về đàn ông và ngược lại. Nói chung đàn ông bây giờ chẳng làm nổi trò trống gì”. Thậm chí, nếu có một ai đó cư xử tốt bụng, dịu dàng thì với cô đó không giống một gã đàn ông. Trong đời cô chưa từng thấy người đàn ông nào khác biệt. Và ngay cả khi bực dọc vì không mở khóa cổng được, Judyta cũng đổ lỗi cho… đàn ông: Mỗi chiếc chìa khóa nên có màu khác nhau. Hoặc khắc chữ khác nhau. Nhất định những chiếc chìa khóa này là do đàn ông làm – tôi tin một trăm phần trăm là như vậy”.

Cuộc sống thường nhật của Judyta bớt buồn tẻ hơn với những bức thư của độc giả, dù dọn ra ngoại ô nhưng vẫn được tòa soạn đều đặn đem đến cho cô. Những bức thư hỏi đủ mọi chuyện trên trời dưới đất từ cách đắp mặt, diệt mọt đến chuyện nuôi dạy con cái. Và oái oăm hơn cả là cô vẫn phải trả lời cả những thắc mắc: “Phải làm gì khi chồng bỏ đi với một người đàn bà khác?”. Dù bực tức hét lên: Làm thế quái nào tôi biết được bây giờ!” nhưng rồi Judyta vẫn phải ngồi vào máy và viết: “Chị thân mến…”. Một cách đầy lý thú khi tác giả khéo léo để những bức thư của độc giả luôn gắn với những kỷ niệm và cuộc sống đời thường khá hài hước của Judyta. Chẳng hạn khi có độc giả hỏi cách đắp mặt nạ bằng bột kiều mạch, Judyta lập tức liên tưởng ngay đến việc ngày bé, mình từng đắp... bột xà phòng vì nhầm tưởng đó là bột kiều mạch. Còn khi viết thư khuyên một độc giả cách xử trí với con gái đòi xăm mình, đeo khuyên ở mũi thì Judyta lại phải vò đầu bứt tóc trước cô con gái bướng bỉnh của mình đang đeo cái khuyên ở mũi…

Và trong tất cả những mớ bộn bề đó, nổi lên bức thư của Xanh Lơ - cách Judyta gọi một độc giả vì thư của anh luôn viết trên giấy màu xanh lơ. Anh hỏi: “Tôi không biết phải làm gì bây giờ. Vợ tôi phải lòng một đồng nghiệp, trong khi tôi luôn yêu cô ấy thắm thiết cơ mà!”. Trái với thư trả lời những độc giả nữ khác, Judyta không giấu vẻ hể hả khi biết cũng có một người đàn ông… bị vợ bỏ và rằng cuối cùng cũng tìm được một người phụ nữ khôn ngoan, không để chồng mình khinh thường… Một "bi kịch" hài hước được tạo ra: Người vợ bị chồng bỏ tư vấn cho một người chồng bị vợ bỏ!

Thư từ qua lại giữa Judyta và Xanh Lơ như một cuộc “bút chiến” âm thầm, về vai trò của người phụ nữ và đàn
ông trong thế giới hiện đại. Và tất nhiên, khi những điều thầm kín của mình đều bị anh ta "bắt thóp" đc thì Judyta ko thể ko tức tối. Đó là chưa kể hắn lại còn móc mỉa cô:
"Tôi không rõ năm nay chị bao nhiêu tuổi, tuy nhiên có lẽ đã đến lúc chị bỏ nghề được rồi đấy, khi tình yêu là một đề tài xa xôi đến như vậy đối với chị...

Quan điểm của anh ta không thể chấp nhận được, nói chung anh ta không hiểu, rằng phụ nữ đang bị lợi dụng và được chuẩn bị để bước vào đời trong vai một đứa ở, đã thế lại còn phải sinh con, thế mà không ai giúp đỡ họ cả, mà anh chàng này sẽ không bao giờ hiểu nổi”. Cuộc “bút chiến” này khiến Tổng biên tập tờ báo phải dò chừng: Kể từ khi chị làm việc ở đây, tòa soạn ngày càng nhận được nhiều thư cảm ơn của độc giả đấy” và tất nhiên, rất nhiều thư trong số đó là của Xanh Lơ.

***

Từng nguyền rủa anh chàng là một tên ngớ ngẩn, một tên vô liêm sỉ nhưng cũng không thể phủ nhận đó là: Một thằng đểu, nhưng đọc nhiều. Của hiếm trong giới đàn ông”. Những tưởng người đã khiến cho Judyta phải thốt lên:Ôi, Xanh Lơ, anh nhất định không phải là đàn ông đã xuất hiện ở đời thực trong vai một Hirek hào hoa. Thế nhưng độc giả dường như đã bị lừa. Gặp Hirek khi cùng hai cô bạn đi nghỉ ở đảo Cyprus, mộtanh chàng cực kì dễ thương. Cứ như thể tuyệt nhiên không phải là đàn ông vậy”, người đã làm trái tim Judyta rung lên lần nữa với một bó hoa năm loài hoa hồng và tám màu. Trong đời chưa bao giờ tôi nhìn thấy một bó hoa như thế này! Tôi yêu rồi!”.

Vậy nhưng trời không chiều lòng người, mà theo cách hiểu của Judyta là xác suất may mắn rơi vào cô ko bao giờ cao. Khi đang ở đỉnh cao của niềm vui và bay bổng với những dư vị ngọt ngào của tình yêu, Judyta lại rớt bịch xuống địa ngục khi được cô bạn thân chỉ cho xem Hirek trên chương trình thời sự: Một mafia vợ con đùm đề. Ở tuổi ba mươi bảy, người ta gặp được một người đàn ông, yêu, rồi mới vỡ lẽ ra gã là kẻ cướp? Thậm chí tôi không căm thù đàn ông. Tôi nát tan rồi. Xem ra nếu có ai chữa trị được cho tôi, thì đó là anh chàng bác sĩ thú y. Còn nếu có ai đó rồi ra sẽ để mắt đến tôi, thì đó là mafia. Xin cạch đàn ông”. Và giờ đây, Judyta luôn có tâm thế phòng thủ trước bất cứ người đàn ông nào. Ngay cả khi Xanh Lơ nài nỉ trao đổi qua email hay được gặp mặt một lần, Judyta vẫn phớt lờ. “Tôi chỉ có thể thích anh ta nếu anh ta không lừa dối hoặc nếu anh ta không là đàn ông”.

Judyta không còn ở cái tuổi có thể tin vào câu chuyện cổ tích: Nếu chúng ta kiên trì tìm những con ếch thì rốt cuộc từ một con ếch nào đó một hoàng tử sẽ hiện ra. Cô khẳng định khá hài hước: Ếch đang là ếch và vẫn sẽ là ếch. Đúng là chúng có trải qua một số giai đoạn phát triển, tuy vậy từ con nòng nọc đến vua chúa là quá xa xôi. Tách mình khỏi những ảo tưởng, chúng tôi phải nhìn thẳng vào sự thật và thôi hôn loài máu lạnh… Còn nếu hoàng tử như trong trường hợp cựu chồng của tôi, hóa ra lại chính là một con ếch thì sao? Thế nhưng, một cách khá mâu thuẫn khi ko tin vào cổ tích của loài lưỡng cư - ếch, Judyta lại đặt hi vọng vào “huyền thoại” của loài ăn cỏ bốn chân: Ngựa trắng. Với cô, ngựa trắng là một điềm lành cho thấy ước mơ sẽ thành sự thật. Cô từng khuyên một độc giả nữ: Thà rằng cứ chờ đợi con ngựa trắng này còn hơn là bằng lòng với bất kì cái gì”.

Điều đó cũng cho thấy Judyta không hoàn toàn mất hết niềm tin vào đàn ông. Theo cô, trong khoảng một triệu đàn ông vẫn có một người đàn ông thực sự cơ mà! Và một ngày không mong đợi, cái phần triệu của cô đã đến, tự nhiên mà bất ngờ, bình thường mà lãng mạn cùng giấc mơ về một bạch mã hoàng tử… Anh làm đảo lộn hết những gì mà cô từng biết về đàn ông. Kết thúc câu chuyện, Judyta đã tìm thấy bạch mã hoàng tử của mình, như một câu chuyện cổ tích. Và khi cô bạn trách đùa: Thế mà cậu đã thề là xin cạch đàn ông, và rằng tất cả đàn ông đều cùng một giuộc!”, Judyta vẫn rất… phụ nữ, rất có lý với câu trả lời: Cô bạn có ngốc không nhỉ ? Anh ấy khác tất cả mọi đàn ông cơ mà!

***

Vừa đời thực, vừa có chút gì đó cổ tích, câu chuyện của Judyta đã chứng minh được một điều: Đừng ai lầm lẫn mà tin rằng đã đến hồi tận thế, trong khi thật ra tất cả mới bắt đầu! Cũng như đã từng nói: “Đời tôi sẽ không bao giờ
chấp nhận đi thứ xe lửa này đâu”
nhưng rồi sau đó vài tháng đã lại đổi ý ngay: Đi xe lửa nội đô rất thoải mái. Có thể đọc sách báo. Tôi sẽ khắc quen thôi”. Hay như khi cô bảo “Tôi không thích viết phóng sự!”, vậy nhưng bài phóng sự đầu tay của cô lại được giải thưởng và có ảnh hưởng với nhiều người; “tuyên ngôn” Xin cạch đàn ông của Judyta không hề mất giá trị, vì vẫn còn đó những “con ếch” như cựu chồng của cô hay Hirek…

Với giọng văn hài hước từ kiểu xưng hô như “cựu chồng”, “kẻ làm cho Jola có thai” đến những cách ví von hiển nhiên như “Tosia mừng như một đứa trẻ (vì Tosia là… một đứa trẻ). Borys mừng như một con chó (vì nó là chó mà!), Xin cạch đàn ông khiến đôi lúc người ta phải tủm tỉm cười một mình hay thú vị vì “ngộ” ra một điều gì đó. Lồng vào “tuyên ngôn” xin cạch đàn ông là những khúc mắc trong các mối quan hệ gia đình, bạn bè vô cùng ý nghĩa. Là cách nuôi dạy con cái và cả những quan điểm, “sáng kiến” độc đáo như “Có thời tôi đã nghĩ, tại sao không đeo vào cổ mỗi người phụ nữ một bản hướng dẫn sử dụng để tạo thuận lợi hơn cho sinh hoạt của đàn ông. Đại loại như : ‘‘trong trường hợp sử dụng không đúng mục đích thì không chịu trách nhiệm về hậu quả... ’’ hoặc ‘ bảo hành sẽ mặc nhiên hết giá trị’. Bây giờ tôi nghĩ ra, không có những bản hướng dẫn như vậy vẫn có thể tự xử lí được.Cho nên cần phải gắn vào mỗi người đàn ông một phiên dịch, để dịch cho phu nữ biết, đàn ông đang nghĩ gì Những nút thắt, gỡ tự nhiên trong câu chuyện vừa cổ tích như con ngựa trắng, vừa hiện đại như những email lâu ngày không check và đặc biệt, Katarzyna Grochola thể hiện mình là một nhà văn có tài trong việc nắm bắt tâm lý phụ nữ, như một… phụ nữ. Đọc Xin cạch đàn ông, phụ nữ có chồng sẽ ít nhiều bắt gặp mình trong đó, còn chưa có chồng (như mình), có lẽ sẽ thấy đâu đó một hình ảnh (cả trong mơ ước) của mình trong tương lai…

Chả trách mà Xin cạch đàn ông! đã gây dấu ấn ở Ba Lan với giải thưởng “AS” EMPiKu dành cho cuốn sách best-seller số một trong năm. Tác phẩm đã dịch sang nhiều thứ tiếng nước ngoài: Nga, Đức, Litva, Bungaria, Hungari, Czech, Italy… và được chuyển thể thành kịch bản phim do Ryszard Zatorski đạo diễn.

Wednesday, October 8, 2008

17 năm đã trôi qua

Tình cờ gặp cô, ở ngay nơi ồn ào này. Đi với một cậu bé chừng 8 tuổi, cô trông già mà… trẻ. Gương mặt xương xương và cái nét ko lẫn vào đâu đc. Ngờ ngợ mãi rồi cũng hỏi thăm cô. Mình nhớ cô đã đành, bất ngờ ở chỗ chỉ cần tự giới thiệu tên mình là cô nói vanh vách luôn tên của cả 4 chị em. 17 năm đã trôi qua rồi còn gì…

Nhà cô vẫn ở chỗ cũ. Nhà mình chẳng dịch sang trái hay sang phải 1 cm nào. Cách nhau độ hơn 200m, ấy vậy mà cứ như là bặt tin nhau. Ko nhận ra nhà cô, dù về nhà hỏi mẹ mới nhớ ra đó là nơi mình cũng năng lui tới. Cô cũng chẳng thể tìm ra đc nhà mình khi nó đã ko còn vườn cây um tùm thưở xưa. Nhiều thứ đã thay đổi hết rồi. Cô hỏi thăm mấy chị em và ngớ ra: “Chắc giờ này mấy đứa nói giọng Nam hết rồi hả, hồi đó nói cô ko nghe đc gì hết…”. Đến lượt mình hỏi thăm cô nhưng biết sao bây giờ khi hỏi đến gì cũng chạm vào nỗi đau của cô. Anh lớn… “À, thằng bé… mất đc 3 năm rồi!”. Còn bé này? “À, ừ…” rồi ko muốn chạm đến nữa. Thầy cô khác, người mất, người thôi nghiệp gõ đầu trẻ, người chuyển sang làm hiệu trưởng một trường vùng ven hơn. “Con nít dạo này khôn hơn nhưng ko ngoan như mấy đứa hồi đó!”…

Mới đây mà đã 17 năm. Nhớ gương mặt cô lẩn sau đám đông ồn ào chật kín trong tiếng mõ lóc cóc ở không gian chật chội và nhang khói mịt mùng. Nhớ cầu vồng lần đầu tiên nhìn thấy trong một cơn mưa chiều cấp 1 với cái dáng cao cao và cái hất tóc rất đặc trưng của thầy phụ trách lớp 4… Cả 5 chị em đều học chung một trường cấp 1, đến 4 chị em từng học qua cô ở cấp lớp đầu tiên và ít nhất 3 người từng có chung thầy cô phụ trách. Ngày ấy nhà mình là một gia đình cá biệt, cá biệt ko phải chỉ vì cái giọng trọ trẹ trong thời điểm tìm đỏ con mắt chột con ngươi mới thấy được một người đồng hương đồng khói. Cá biệt ko phải chỉ vì những điểm số vượt trội từng có người nổi đình nổi đám hay do mấy chị em cùng học chung một trường mà còn là cái nheo nhóc và cả sự thương tâm đc xem là ko ai ko biết…

17 năm đã trôi qua. Những dãy phòng học mới, ngôi trường mới, thậm chí cái tên cũng mới. Giữa góc ngã tư, cách nhà mình hơn trăm mét, nơi giao nhau của hai ngôi trường cấp 1, cấp 3, sắp mọc lên một tòa cao ốc thương mại 18 tầng. Cô bảo Quận từng xin xây một trường cấp 2 ở đó cho đủ bộ cụm trường nhưng nghe đâu “ngoài vùng kiểm soát”. Lúc chia tay, cô định nói thêm gì nữa, nhưng ngả rẽ về nhà đã ngay trước mặt, chỉ còn kịp nghe: “Hồi đó em trắng bóc, sao giờ đen thế này?!”. Dáng cô vẫn gầy gò. Chừng 3 năm nữa về hưu. Cậu con trai có vẻ ốm yếu. Trong cái nheo mắt của cô là một cuộc đời nhiều đau khổ và buồn tẻ. Ai biết đc, cô cũng từng là sinh viên hai trường điểm một thời: Kinh tế và Văn khoa…

17 năm đã trôi qua. Thỉnh thoảng gặp lại người xưa, mẹ vẫn cùng nhau ôn việc cũ chỉ thiếu điều khóc lóc cùng nhau. Ngớ ra ko hiểu sao có thể vượt qua thời lao đao ấy. “Chỉ thương cho thằng bé nhà tôi, phải nghỉ học giữa chừng, đến giờ vẫn lận đận!”. Bao nhiêu năm bẵng đi ko gặp, vậy mà có những người bất chợt thấy nhau, vẫn có thể nhận ra nhau dễ dàng. Như cô mẫu giáo của mình hồi lớp chồi, lớp lá, gặp lại mẹ vẫn hỏi bé H dạo này ra sao, “Nhớ hồi đó nó hiền và nhát lắm mà?!”. Thì giờ vẫn hiền và nhát có điều hơn 17 năm đã trôi qua, cảnh cũ, người xưa giờ tản mác. Ngoái lại là bao nhiêu điều ko kể xiết. Bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu nụ cười. Nhớ một người và nhớ nhiều người…

Tuesday, October 7, 2008

CHIÊM BAO

Có những người bạn, mãi vẫn chỉ là những người bạn, dẫu là đặt giả định, dẫu là trong mơ...

Tôi có một giấc chiêm bao

Đêm qua có một anh nào ghé thăm

Bảo rằng bè bạn mấy năm

Phải tôi đồng ý là... trăm năm rồiimg

Trong mơ tôi vẫn bồi hồi

Không dưng anh ấy lại lôi tôi vào

Thì ra trong giấc chiêm bao

Tôi mơ cũng chẳng thể nào yêu anh

...

Saturday, October 4, 2008

Cổ tích của vịt con



Vịt con mở mắt. Trước mặt là mẹ gà. Người đầu tiên mình bắt gặp khi mở mắt chắc chắn là mẹ. Mọi người đều bảo vậy. Vịt con theo mẹ gà gọi mẹ, mẹ. Sau một thời gian quang quác chối, bảo làm con mẹ gà phải thế này, thế kia, cuối cùng mẹ gà cũng chịu nhận vịt con làm con. Mẹ thì cái gì cũng tốt. Nghĩ vậy, luôn luôn tin tưởng vậy nên nó cứ mải miết chạy theo mẹ gà. Thế nhưng, nó ko cục ta cục tác giống mẹ gà đc, cũng ko thể chíp chíp giống các anh chị nốt, càng ngày nó càng thấy mình khác người, cứ càng cạc, càng cạc… giữa một bầy gà ríu ra ríu rít. Phớt lờ những lời đàm tếu xung quanh, nó nghĩ mình ko giống mẹ hay vì mình giống cha? Điều bấu víu cuối cùng của nó cũng lung lay khi càng ngày nó càng phát hiện mình ko thích ăn giun như mẹ gà, mình ko thể bay cao như những con gà (trống) khác và một điều đặc biệt là nó thích ao hồ, nó thích bơi trong khi mẹ gà rất kém bơi. Ngày đầu tiên nó kéo mẹ gà nhảy ùm xuống ao, thấy mẹ gà chới với trong dòng nước, nó đã hụt hẫng biết chừng nào. Xưa giờ trong mắt nó, mẹ gà lúc nào cũng là số 1 còn gì…

Rồi một ngày, nó gặp một anh vịt xám. Anh vịt xám dạy nó bơi, dạy nó cạp cạp lướt qua những mớ rau bèo nó thích ăn. Anh vịt xám dạy nó nhiều điều, mà với bản năng của một con vịt, có thể rồi nó cũng biết nhưng có anh vịt xám thì nó biết sớm hơn. Quan trọng hơn cả là anh vịt xám giống nó, biết bơi, thích ao hồ và cũng kêu càng cạc, càng cạc… Có lúc nó những tưởng anh vịt xám là số 1, là người quan trọng với ý nghĩa khác mẹ gà của mình. Ấy thế mà ko phải vậy. Càng ngày nó càng khó hiểu anh vịt xám. Nó thấy thế giới người lớn thật phức tạp. Đó cũng là lúc nó phải chấp nhận một sự thật mẹ gà ko phải là mẹ của mình. Đó cũng là lúc nó phải chấp nhận cái điều mà trước đó nó đã cố tình ko hiểu: Một con vịt sống trong thế giới của vịt từ bé thì sẽ ko thể giống mình – một con vịt lớn lên trong tổ gà.

Vịt con lủi thủi ra ao. Nó chẳng biết đi đâu, về đâu. Từ khi mở mắt, nó chỉ biết chạy theo mẹ gà, nó chỉ biết nghe theo lời anh vịt xám. Bây giờ, nó quay lưng với cả hai. Có thể nào nó lại chạy theo một con vịt khác để gọi là mẹ? Có thể nào nó lại chạy theo một anh vịt khác khi chưa bao giờ nghĩ đến phương án dự phòng cho mình? Nó lơ ngơ sống trong tổ gà, thích nghi những điều vốn chẳng xa lạ gì với nó. Nó kiềm cái ước muốn tung tăng ao hồ. Nó kiềm cái ước muốn bơi lội cùng anh vịt xám. Dù nó biết, anh vịt xám có xấu đến bao nhiêu, mẹ gà có khác nó thế nào thì đó vẫn là hai người nó nghĩ đến trước tiên, mỗi khi ra hồ.

Nếu có một câu chuyện cổ tích cho mình (chuyện cổ tích thì lúc nào cũng kết thúc có hậu), nó ước giá nó là một con gà, bình thường hoặc là một con vịt có đủ can đảm để phớt lờ mọi thứ và nhảy ùm xuống ao hồ. Bản năng của loài vịt và sóng nước ao hồ sẽ giúp nó hoặc bơi giỏi như anh vịt xám hoặc là dìm nó xuống lòng hồ, để khi nổi lên, nó lại là một con vịt, đúng nghĩa!

Hạnh phúc

* Hạnh phúc = Trao đổi + chia sẻ + kết nối yêu thương = My name. Nếu hạnh phúc đơn giản chỉ là những nụ cười, tôi muốn níu mãi những nụ cười bất tận, cùng bạn bè, gia đình và những người tôi yêu thương!
* Cuộc đời chỉ có một, mong muốn tình yêu cũng có 1 nhưng lại có duyên với... số 2 ^^.