32 tuổi, cô té ngửa trong nỗi đau tột cùng của sự mất mát. Chân ướt chân ráo nơi đất lạ quê người với đàn con 5 đứa nheo nhóc. Đứa lớn nhất mới hơn 12 tuổi, đứa bé nhất vừa lên 3. Một chuỗi ngày dài cô ngất lên ngất xuống, sống bằng nước mắt và thuốc trợ tim. Một chuỗi ngày tháng năm dài dằng dặc sau đó, ngôi nhà vắng bóng đàn ông, chỉ nhèo nhẹo tiếng khóc, tiếng chọi nhau chí chóe của một bầy trẻ và tiếng thở dài của người cha râu tóc bạc phơ…
Cô nhìn quanh, những gì giá trị còn lại trong nhà đều đã đi theo người chồng mới khuất. Không tài sản, ko đồng hương đồng khói, đến tiếng nói cũng chưa thạo… Ngoài cái nghề giữ trẻ từ ngày còn ở hợp tác xã, cô chẳng biết gì hơn việc làm nông. Nhưng ở đây, đến mẩu ruộng bẻ đôi cũng ko có mà làm. Heo hút, mông quạnh…
35 tuổi, cô gượng dậy bằng sự động viên của người cha tuổi đã cao nhưng vẫn chưa dứt nợ cùng con cháu, bằng tình nghĩa của những người bạn chí cốt mà chồng cô để lại. Cô học những gì một người mẹ có thể học để kiếm tiền nuôi con. Từ thêu, đan, may, móc đến buôn bán, cái gì cô cũng trải qua. Có những ngày ngủ gục trên bàn máy, kim suýt “ăn” tay. Có những hôm lấy hàng té xe chỏng gọng. Những hôm mưa gió tủi thân lại lên khóc rấm rứt với anh trên… bàn thờ! Cô tin mình sẽ được an ủi…
Tiền ăn uống, tiền học hành của bầy con lít nhít đang tuổi ăn tuổi lớn cứ sát sao từng ngày, từng tháng. Giấy tờ anh để lại còn ngổn ngang để ngỏ, đứa nào nhập học cũng phải chịu mức phí bán công cao ngất. Hiệu trưởng khắp các trường trong huyện dường quen mặt cô, vì gia cảnh, vì giọng nói trọ trẹ và vì cả quanh năm suốt tháng cứ thấy cô miệt mài hết đi xin nhập học cho đứa con này lại đến đứa con khác. Có những khi phải "chạy sô" một lúc mấy trường để họp phụ huynh…
Chưa đủ mệt với cơm áo gạo tiền hàng ngày, với bầy con đủ trò hờn giận, quậy phá, nghịch ngợm, cô phải đối đầu với cả những dèm pha tiếng đời từ đẩu đâu bay lại: Bỏ con đi bước nữa. Có những đêm nước mắt lại chảy dài. Có những khi áp lực, cô muốn bỏ quách tất cả, về quê nhưng nhìn 5 đứa lại ko nỡ. Có những lời đề nghị từ họ hàng, bạn bè: “Để tao nuôi phụ cho một đứa”, đôi khi cũng muốn sẻ bớt gánh nặng của mình nhưng rồi lại ko nỡ để chị em nó “tan đàn xẻ nghé”… Cứ thế, nước mắt vì chồng đã cạn thì nước mắt vì con lại khơi ra. 5 đứa là 6-7 tính tình. Lúc dỗi lòng, dỗi đời, cô vẫn buột miệng “Con ko cha!” nhưng rồi những đứa con ấy vẫn lớn lên, vẫn đến được nơi nó cần đến, ko đứa nào phải bán vé số dạo như có người từng vạch ra cho cô. Cũng chẳng đứa nào phải lỗi lầm như một vài đứa “còn cha” khác…
Những ngày trên chiếc xe cup cà tàng lần mò khắp nẻo đường TP. Cô sống bằng tình yêu thương của cả những người mới gặp mẹ con cô lần đầu… Dường như cuộc sống luôn thử thách những người phụ nữ nghị lực nhưng ngay từ thời chưa nghĩ đó là nghị lực, cô vẫn tin tất cả rồi sẽ qua…
49 tuổi. Gần 20 năm cũng đã qua, chưa bình an nhưng mái ấm của cô ít ra đã yên ổn, chưa nhàn hạ nhưng cô đã có những giấc ngủ ko giật mình tỉnh dậy giữa chừng vì lo kim “ăn” tay hay nửa đêm chủ hàng réo gọi…
Mừng một ngày, cô thêm một tuổi mới. Thêm một ít nếp nhăn trên gương mặt vẫn phảng phất vẻ khắc khổ của sóng gió nửa đời đã qua nhưng nụ cười vẫn phúc hậu, vẫn niềm tin cổ tích từ cái ngày còn lao đao: “Ở hiền gặp lành”…