Tuổi Trẻ là gì mà ghê gớm vậy? Nó ám ảnh biết bao thế hệ làm báo. Là máu, là thịt, là hơi thở, là cuộc sống.
Những năm 92, 93, một người bạn Hà Nội vào chơi. Sau khi được kéo rê hết buổi nhậu này đến buổi nhậu khác, anh phát hiện một điều: Trong các cuộc nhậu, chỉ có một đề tài duy nhất: “Tuổi Trẻ”. Năm, sáu năm sau, Tuổi Trẻ đã qua “một cuộc bể dâu” nho nhỏ, khách đối ẩm với người bạn Hà Nội bấy giờ không còn “thuần chất”, có những người đã đi khỏi Tuổi Trẻ trong hoàn cảnh không vui, có người ở lại nhưng lòng đầy bất mãn, vậy mà đề tài vẫn không có gì khác ngoài “Tuổi Trẻ”. Đến độ anh bạn phải kêu lên “Có để ý không? Mình đã cố chuyển đề tài nhưng chỉ được 5 phút là mọi người lại quay về Tuổi Trẻ. Quái thật, các bạn sao thế? Cuộc đời còn biết bao nhiêu thứ chuyện, sao chỉ có Tuổi Trẻ, Tuổi Trẻ thế?”
Tôi chỉ biết cười. Làm sao nói cho bạn hiểu bây giờ. Những người làm báo nơi khác sẽ không sao hiểu được dân làm báo ở Tuổi Trẻ. Chúng tôi không coi Tuổi Trẻ chỉ là nơi để kiếm sống, mà là “nhà”. Vui, buồn, giận hờn, thậm chí có những lúc đập bàn, chửi mắng nhau, rồi vẫn vui vẻ sống chung. “Nhà” mà, xa nhà là buồn, mỗi lần đi công tác đâu xa chừng chục ngày, về, câu đầu tiên là hỏi đồng nghiệp “ở nhà có gì lạ không?” (Hồi đó không có mail, cước điện thoại đắt/ so với lương nên hạn chế gọi). Là nhà, nên cực chẳng đã mới phải bỏ mà đi, đi rồi vẫn nhớ về nhà cũ, với biết bao nhiêu kỷ niệm thân thương, vui buồn, giận ghét.
Mọi người vẫn nhắc chuyện sau đây để minh họa cho cái gọi là “ám ảnh Tuổi Trẻ": Anh Năm Đồng (Tên bút danh là Nam Đồng rất đẹp, nhưng đám Tuổi Trẻ cứ nhất quyết gọi thành 5 Đồng, riết rồi quen miệng không sửa được) trong buổi kỷ niệm 5 năm thành lập báo Pháp Luật TPHCM, khi đọc diễn văn cứ luôn miệng “Báo Tuổi Trẻ đã phát triển vượt bậc, từ 10.000 bản /kỳ lên…, báo Tuổi Trẻ đã có những thành công nhất định, tuy nhiên, báo Tuổi Trẻ vẫn còn không ít khó khăn…” v.v… và v.v… Ngộ nhất là mới đầu, người nghe cũng chẳng phát hiện. Phải một hồi sau có ai đó sực nhớ, khán giả khúc khích, rồi rộ lên cười, nhắc. Anh Năm Đồng xin lỗi, sửa lại thành báo Pháp Luật, rồi sau đó tới cuối phần phát biểu lại … nhầm tiếp.
Đã thế, tới lượt anh Huỳnh Quý, bằng giọng Quảng Nam đặc sệt thân thương, anh Quý cũng hùng hồn phát biểu “tờ báo Tuổi Trẻ của chúng tôi…”. Sự nhầm lẫn xảy ra thời điểm đó có thể “hiểu” được, vì thời gian anh Năm Đồng và anh Huỳnh Quý đi khỏi báo Tuổi Trẻ hãy còn “ ngắn”, mới có... 5 năm. Không ngờ lần kỷ niệm thành lập báo Pháp luật ngày 15/9/2007 mới đây- 17 năm đã trôi qua, vậy mà anh Năm Đồng vẫn nói nhầm báo Pháp Luật thành “báo Tuổi Trẻ ”, chẳng những một lần mà lập lại tới 2 lần và vẫn không hề hay biết.
***
Tôi về báo Tuổi Trẻ trong một hoàn cảnh khá đặc biệt. Đang làm ở một xí nghiệp Xuất khẩu, bày đặt đấu tranh phê bình nên bị tinh giản biên chế. Khiếu nại, may mắn gặp được ông Trưởng phòng Tổ chức công ty cấp trên hiền lành và khách quan. Ông ký giấy cho tôi thuyên chuyển qua một xí nghiệp khác cùng công ty. Cùng lúc đó, tôi cũng đến báo Tuổi Trẻ xin việc (hành chánh, nhưng lại được chị Kim Hạnh nhận làm phóng viên- chuyện này khá dài, xin kể ở entry khác).
Còn nhớ như in trước ngày đi làm thủ tục xin tôi về Tuổi Trẻ, anh Huỳnh Quý – lúc đó là Chánh Văn phòng, bảo tôi “Em suy nghĩ kỹ nha, lương bổng thu nhập bên Tuổi Trẻ không thể bằng bên công ty của em đâu”. Ông Trưởng phòng tổ chức Công ty Xuất khẩu cũng bảo tôi “Cháu nghĩ kỹ chưa, bao nhiêu người muốn xin vô công ty không được, cháu đang ở công ty lại xin ra!”
Tôi đã quyết định chọn Tuổi Trẻ.
...
(Theo blog nhà báo Thủy Cúc)
H thik Tuoi trẻ nhỉ?
ReplyDeletelàm báo mà chuyện dài tập....
ReplyDeletechia sẻ điều này nhưng tuổi trẻ cao quá! với hổng tới nên hổng ham...
ReplyDelete