Nếu ai bảo Tết Sài Gòn chả có gì đặc biệt, chắc hẳn người đó chỉ mới đến Sài Gòn vài lần rồi đi. Nếu đã ở lâu năm mà vẫn bảo vậy, chắc hẳn người đó luôn vắng mặt vào dịp Tết, khi Sài Gòn rộn ràng nhất trong năm. Còn nếu quanh năm suốt tháng ở Sài Gòn mà vẫn nhận xét vậy, đích thị người đó chỉ ngày hai buổi đi về giữa nhà và công ty mà quên mất những hương sắc của Tết Sài Gòn đang tưng bừng ngoài kia…
Có thể nói Sài Gòn đẹp nhất vào những ngày giáp Tết, khi cái nắng dịu dàng ấm áp, cái gió se se và tiết trời trong lành. Không khí Tết Sài Gòn có thể làm nhạy cảm cả những người khô khan nhất… Cái nắng hanh hanh làm tiết trời miền Bắc phải ghen tỵ, cái gió se se làm người người xuống phố nôn nao hơn.
Tết Sài Gòn, đó là khi những chiếc thuyền chở đầy hoa tươi quả đẹp đua nhau cập cảng. Là khi hàng hóa đủ loại ở khắp các nẻo đường đổ về thành phố “phồn hoa” này. Là tiếng còi tàu hụ nửa đêm hay lúc tờ mờ sáng làm ai nghe được cũng không khỏi nao lòng, nhơ nhớ điều gì đấy xa xăm…
Tết, đường phố Sài Gòn trở nên vắng vẻ lạ. Nếu trong năm, dân tứ xứ đổ về đây làm ăn thì cứ giáp Tết, người người lại lũ lượt kéo nhau về quê sum họp. Đó cũng là nét đặc trưng không thể thiếu của Sài Gòn dịp cuối năm. Tết Sài Gòn chỉ còn lại những người Sài Gòn, những người vì lý do nào đó không về quê được, hay những người đã “trót” nhận Sài Gòn là quê hương! Ngày Tết, đường Sài Gòn thênh thang như đường… Đà Lạt. Không chen chúc, cũng chẳng kẹt xe. Khí trời trong lành như chưa từng biết đến khói bụi mịt trời trước đó mấy ngày.
Tết Sài Gòn, những con phố như được dát hoa và cờ. Những con đường tràn ngập hoa, những công viên bát ngát hoa và cả những vòng xoay cũng không thiếu sắc màu rực rỡ của hoa cỏ mùa xuân… Những điểm nhấn, những họa tiết lạ mắt, những hàng cờ đỏ rợp trời đủ làm ai đó phải ngẩn ngơ giữa ngã tư đèn đỏ trong một buổi chiều đầu năm. Vẫn con đường cũ, vẫn lối về quen mà như có cái gì đó mới lạ cần khám phá, như nàng Lọ Lem bình thường nơi xó bếp bỗng chốc hóa thành nàng công chúa trong bộ váy lộng lẫy, kiêu sa. Đến hẹn lại lên, những chợ hoa ở các công viên Gia Định, công viên 23/9, khu đô thị Nam Sài Gòn hay đường hoa Nguyễn Huệ đã trở thành một thói quen của người Sài Gòn, để mong chờ xem “Đường hoa năm nay có gì mới?”. Thế nên có người nói “Sài Gòn không báo xuân bằng én, Sài Gòn xuân khi những con đường, góc phố bắt đầu làm duyên” cũng chả sai chút nào!
Ai bảo Sài Gòn không có chợ Tết? Cứ dịp cận Tết, những khu chợ đều “trắng đêm” với vô số trái cây hoa quả và những vật dụng thiết yếu cho bữa tiệc đầu năm. Nửa tháng trước Tết, những “chòi” dưa hấu thâu đêm suốt sáng đã mọc lên khắp các nẻo đường. Những trái dưa được vận chuyển, tung hứng thoăn thoắt dán những chữ may mắn phước, lộc, thọ, cát trên nền đỏ rực rỡ, rồi nằm ngạo nghễ chờ người đến khiêng về đặt lên bàn thờ. Người giàu cũng như kẻ nghèo, đều tất bật sắm sửa, chuẩn bị những bữa ăn đủ đầy nhất trong năm. Đi chợ Tết cũng là một cái thú chờ đợi của những đứa trẻ, cái cớ để chúng có thể thức khuya hơn, tha hồ tung tăng chơi đùa mà không sợ lạc vì quen đường, gần nhà.
Ai bảo Tết Sài Gòn không có bếp lửa bánh chưng? Cùng với chợ Tết, cứ độ hai bảy, hai tám Tết, dạo xe vòng quanh các nẻo đường Q.2, Q.7 và thậm chí cả các cung đường quanh chợ Bến Thành cũng sẽ thấy những nồi bánh chưng, bánh tét sôi sùng sục bên bếp lửa bập bùng reo. Khói bếp nồng nồng, cay cay trong cái không khí se se lạnh của ngày Tết hệt như vị của ly rượu buổi tất niên quây quần bên gia đình. Bên bếp lửa bánh chưng còn là hơi ấm của gia đình, của những giai thoại không đầu không cuối và còn là ký ức đẹp của những đứa trẻ háo hức chờ những củ khoai nướng ngọt lựng, thơm lừng vùi trong tro…
Ai bảo Tết Sài Gòn không có những giây phút thiêng liêng? Thời khắc Trừ Tịch, nếu có những dòng người nô nức, rộn rịp ở Bến Nhà Rồng, Bến Bạch Đằng chờ đồng hồ đếm ngược từng giây và ngắm pháo hoa thì cũng có những khu phố, gia đình ấm áp với nhang trầm thơm nghi ngút và chờ đợi khoảnh khắc chuyển giao năm cũ – năm mới, được đánh dấu bằng một tràng còi tàu hụ vang, bằng 15 phút pháo hoa bung sáng trên bầu trời. Và cũng có thời khắc sau Giao thừa, nhà nhà kéo nhau đi trẩy lộc đầu năm. Người lạ, người quen, gặp nhau đều Chúc mừng năm mới!
Tết Sài Gòn hội đủ tất cả những gì tinh hoa của Tết ở các vùng miền khác nhưng cũng có những nét khác biệt không đâu bằng. Nếu mùng 1, mùng 2 ở các tỉnh thành khác, các cửa hàng, công ty đều cửa khóa im ỉm thì mùng 1, mùng 2 ở Sài Gòn, bạn vẫn có thể mua được nhu yếu phẩm như thường. Tết là dịp hội hè, đi chơi, đi thăm họ hàng thân thích nhưng Tết cũng là dịp làm ăn khấm khá của không ít các công ty, dịch vụ. Đó là lý do có những người mới đến Sài Gòn cho rằng Sài Gòn không có Tết vì khó mà cảm nhận được không khí Tết nơi đây. Nhưng những ai đi xa sẽ thấy Tết Sài Gòn như một cô gái có duyên ngầm, gặp lần đầu chưa chắc đã ấn tượng nhưng rời đi rồi sẽ ám ảnh, nhớ nhung… Đó là nỗi nhớ của cái nắng, cái gió Sài Gòn. Tiếng còi tàu hụ u u u… trong không gian than
h vắng, tĩnh mịch. Mùi nhang trầm nghi ngút. Mùi khói bếp bánh chưng. Mùi hăng nồng dưa kiệu. Mùi thơm phức của nồi thịt kho Tàu và cả ánh sáng kỳ diệu trên bầu trời Sài Gòn lúc chuyển giao. Là cái thèm được cảm nhận một Sài Gòn yên bình, trong trẻo ngày Tết và thấy sự chuyển động dần nhộn nhịp trở lại của Sài Gòn ngày ra Giêng…
Đã qua rồi cái thời khắc chờ đợi ngày Tết để được mặc áo mới, được đi chơi, ăn ngon hay nhận lì xì nhưng mỗi năm vẫn chờ đợi, trông ngóng đến ngày Tết để khép lại một năm, dù có thể buồn, vui, yên ả hay không suôn sẽ. Để khởi đầu những điều mới, dự định mới, hi vọng mới, cuộc sống mới. Và hơn nữa, là có được những giây phút bình yên đi dạo trên phố đi bộ Đồng Khởi trong cái nắng dịu dịu buổi sáng, trong cái lạnh se se buổi chiều… Để có được những phút nhìn lại mình và ước mong những điều tốt lành trọn vẹn cho bản thân, cho gia đình, những người xung quanh cũng như cuộc sống này!
Đâu đó, những tiếng nhạc rộn rã “Tết, tết, tết, tết đến rồi” đã bắt đầu ngân vang…
***
Ba năm rồi ko ăn Tết Sài Gòn. Như vậy có đủ để gọi là nhớ chưa nhỉ??
Đúng ùi, mình ko phải nguoi SG nhung cung an may cai Tet o day, thay vui va ron rang lam. Tet nay ko duoc di xem duong hoa va phao bong, tiec!!!
ReplyDeletehaha vay nam nay H co an tet sg k? Nghe H ke tet ma nho wa...
ReplyDelete@V: Ừ, chắc là năm nay H ăn Tết SG thôi, hehe. V ko về Tết à?
ReplyDelete@Dung: Ủa, ăn tới mấy cái tết SG rồi hả?
úi úi,sao có người viết văn "lãng đãng" thế nhỉ.Bái phục bái phục
ReplyDelete