Tròn 1 tuần từ lời hứa viết về cô. Mãi đến giờ mới post đc.
CÔ HẠT TIÊU
Cô đến với tôi vào hè năm lớp 10. Lần đầu tiên biết tên cô là khi trường gửi giấy báo về nhà để gọi những đứa học sinh “lì lợm” ko chịu đi học hè như tôi phải đến trường. 10 năm chưa hề biết đi học trong hè là gì và cũng là từng ấy năm suy nghĩ học hè, tức là “Học trước chương trình, vô năm cũng học lại chứ gì đâu”. Thế nên tôi vẫn quyết định không tốn tiền cho 3 tháng hè ấy. Nhưng có lẽ tôi đã hơi nhầm…
Với lớp nào thì đó là 3 tháng học trước chương trình nhưng với lớp chuyên A, đầu khối như lớp tôi thì đó lại là 3 tháng học chính thức. Có khoảng chục người “lì lợm” như tôi nhưng không ai dùng 3 tháng hè ấy để… ăn ngủ. Họ mắc “chạy sô” ở các trung tâm. Đó là lý do tại sao tôi không thể theo kịp chương trình khi cả lớp đã học xong chương 1 của sách giáo khoa còn tôi vẫn ngẩn tò te chả biết gì! Để được học ở nguyên lớp cũ, cả chục đứa “lì lợm” ấy đều phải có cam kết của phụ huynh rằng con mình có thể đảm bảo việc học. Lúc ấy tôi chỉ không muốn bắt đầu làm quen lại với những người bạn mới chứ không thì đã không có một năm học đầy sóng gió như vậy. Có lẽ chính sự nhập nhằng ấy đã khiến tôi có chút giận lây sang cô, cô giáo “hạt tiêu”.
Cô bé như một người lớn có thể… bé. Nhỏ nhắn, xinh xinh đến nỗi nếu cô không mặc áo dài, chắc chẳng ai nghĩ được cô là cô giáo. Lần đi chơi Long Hải cuối năm, trong bóng tối mờ mờ của buổi tinh mơ, có đứa còn tính vỗ vai cô bảo “ê mày…” vì tưởng là đứa bạn nào đấy. Sẽ không nói quá chút nào khi nhìn thấy cô trong trang phục áo sơ mi, quần jeans. Ngày bám vào phao ở sóng biển Long Hải, lâng châng không dám ra xa bờ nhưng tụi con trai cứ nghịch bảo “Có gì để cô cứu cho, cô biết bơi mà!”. Thấy cô nhõng nhẽo như một đứa con nít “Không có giỡn nè, cô không có sức cứu đâu nha!”.
Cô xinh xắn và viết chữ khá đẹp. Lúc nào đến lớp cũng bị đám nam sinh… chọc ghẹo. Những cô giáo be bé như cô thường hay có huông vậy, huống gì tính cô lại hòa đồng, dễ chịu. Cô dạy Anh văn, môn tôi không đến nỗi nào nên cũng đỡ nhưng học trò cưng của cô thì phải kể đến Khỉ già. Đứa nào trong lớp cũng bảo nó sao y bản chính của cô, từ cái vẻ be bé, ốm nhom đến cái khả năng nói tiếng Anh như gió, kể cả nghiệp sư phạm mà sau này nó chọn theo, chỉ khác mỗi điều, nó không… hiền như cô.
Cô Chủ nhiệm hai năm cuối cấp. Chút ít sóng gió, như cái lần vài đứa con trai chơi dại, giỡn với dao thế nào để nó cắt đứt cổ tay một đứa, chảy máu rần rần làm cả lớp cũng hoảng. Như cái lần H1 hụt hẫng, vì chuyện tình cảm với một đứa lớp bên không thành, khiến ¼ dân số lớp cũng có vấn đề theo. Như cái lần H3 làm xôn xao cả trường khi lần đầu tiên có chuyện dân A1 bị kỷ luật trong kỳ thi học kỳ vì một lỗi không đáng gì… Nhưng rồi tất cả cũng qua. Lớp vẫn cứ là lớp A1 luôn dẫn đầu khối. Dường như cô chưa bao giờ nặng nhẹ với lớp. Lúc nào cũng là khuyên giải, hỏi han nhẹ nhàng. Phiếu điểm hàng tháng báo về nhà luôn có những lời nhận xét lẫn động viên “Cần cố gắng thêm môn này, có tiến bộ môn kia…” chứ không phải chỉ là những con số khô khan, cứng nhắc.
Lần đầu tiên trong suốt 12 năm học, ấm ức khi bị cô nhắc… nói chuyện trong giờ học. Lần đầu tiên có cảm giác cô trò gần gũi khi cô buột miệng bảo “Cái con nhỏ này…”. Ngày cuối năm vào lớp, cô vẫn nghiêm chỉnh bắt… học bài dù đứa nào cũng nôn nao nghỉ. Nhưng lúc nào cô cũng “giơ cao đánh khẽ”, chỉ sửa bài thi học kỳ rồi thôi. Cũng chỉ có cô mới nghĩ ra lắm trò… lãng đãng, như cái bản báo cáo nhận xét về “những người bạn quanh mình” mà cô yêu cầu phải hoàn tất trước ngày chia tay. Cô là người đầu tiên và duy nhất trong suốt 3 năm học, có thể bộc bạch chuyện đời tư của mình trước học trò. 40 thành viên của lớp là 40 câu hỏi. Tất nhiên, điều cả lớp tò mò nhất vẫn là… chuyện tình cảm của cô. Cô hay bảo lớp mình thích mè nheo cô mà, hình như tôi biết đến từ “mè nheo” từ đó…
Năm lớp 1, có một lần cô bị khẽ tay vì viết chữ xấu, nhờ vậy mà giờ chữ cô mới đẹp thế! Từ lớp 1 đến lớp 4, cô “chỉ biết học thôi chẳng biết gì”. Đến lớp 5 thì cũng có một người… thích cô. Chẳng qua cũng là mô-típ muôn đời: Cô giỏi Văn, người ấy giỏi Toán nên bạn bè ghép đôi, vậy thôi. Năm lớp 8, cô có một người bạn trai, cùng học, cùng chơi và đến giờ vẫn là bạn thân của cô. Người này cũng đã từng bày tỏ tình cảm với cô và cũng vì người này mà cô mới thi vào trường LHP. (Cả lớp xuýt xoa, trầm trồ). Nhưng người ấy đã xuất ngoại lâu rồi.
Chuyện của thầy và cô chỉ thật sự bắt đầu vào năm 2 Đại học. Trước kia, thầy học ở Q.4, cô học ở Q.7 nhưng hai người lại có chung một cô giáo dạy Sinh. Tại sinh nhật của cô giáo này, hai người mới quen biết. Đến khi lên ĐH lại tình cờ chung trường. Cô là thuộc nhóm “Tứ cô nương”, thầy là thành viên của “Tam quỷ”. Rồi “Tam quỷ” sang làm quen với “Tứ cô nương”, thế là chuyện của thầy và cô bắt đầu. Cô thích thầy ở chỗ thầy rất tốt bụng với mọi người. Nếu đang đi với cô mà gặp ai bị hư xe giữa đường, thầy cũng đến giúp. Trong giảng đường cũng có một cô gái thích thầy, luôn tìm cớ nhờ thầy giải bài giúp. Thầy biết đấy chứ, nhưng vẫn cứ giúp như thường. Từ cuộc tình của mình, cô rút ra lời khuyên cho cả 40 đôi mắt đang chăm chú ý nhìn mình.
- Với nam: Nếu tự tin mình hơn người ta một cái gì đó thì hãy theo đuổi
- Với nữ: Nếu có thích người ta mà người ta ko thích lại thì nên hiểu đó là vì người ta ko tự tin khi ở cạnh mình.
Chuyện tình đẹp đẽ của cô kết thúc có hậu bằng một mái ấm xinh xắn với một thằng nhóc bụ bẫm, da trắng như trứng gà bóc và lanh hơn mẹ nó cả chục lần, bé Huy. (Có một dạo mình đã rất thích những người tên Huy, dù chẳng có lý do gì đặc biệt).
Khi được hỏi về thần tượng, cô nói từ nhỏ đến lớn, cô chưa thần tượng ai ngoài thầy cô của mình. Đó là lý do cô mơ ước trở thành cô giáo từ rất bé. Ngày còn đi học, cô không mi nhon như bây giờ, được cái học giỏi. Bạn bè cấp 2 thường gọi cô là Cô bé Liên Xô, còn lên cấp 3, cô ít nói chuyện với con trai trong lớp nên họ gọi cô là Búp bê không tình yêu.
Khi nói về cảm xúc với lớp, cô đã khóc làm nhiều đứa cũng mít ướt theo. 40 câu hỏi, duy có một câu không được trả lời. Cô bảo “Chừng nào các em gửi thiệp hồng cho cô, cô sẽ nói cho mấy em nghe câu hỏi này. Nói lúc này mất công mấy em không… học được”. Tuy có tò mò nhưng cả lớp cũng đành chịu, không đoán được đó là câu hỏi của ai, ngay cả Hiếu làm MC cũng bảo “Nó hơi riêng tư” nữa là. 40 tờ giấy be bé ấy được cô cho vào chiếc phong bì trang trọng để cất giữ. Chỉ riêng việc ấy thôi, tôi biết, cô đã không xem những câu hỏi của chúng tôi là trò con nít chút nào!
12 năm đi học, có lẽ chỉ có cô là đủ… lãng mạn để chuẩn bị cho mỗi đứa học trò một món quà chia tay. Những chiếc móc gắn chìa khóa xinh xắn. Bất ngờ hơn là trong đó mỗi đứa đều có một lời chúc bằng tiếng Anh, của cô. 40 lời chúc khác nhau trên một mảnh giấy tập vuông vức, xiu xíu. Bất ngờ hơn là trong đó có một ngôi sao may mắn được cô tỉ mẩn xếp bằng… ống hút. Móc chìa khóa có thể bị hư, nhưng trái bắp hình mặt cười ấy sau khi theo tôi suốt cả một thời gian khó khăn đã trở về nằm cạnh ngôi sao may mắn trong bộ sưu tập những kỷ vật đặc biệt của tôi.
Ngày chia tay, mưa nhiều như… nước mắt. Những biệt danh kỳ quặc của lớp được giải thích. Những cái nickname kỳ quặc được đưa ra dành cho cô… Bài thơ làm vội lẫn bài thơ chúc Tết, ngập ngừng mãi mới trao được cho cô trong lần họp lớp đầu tiên.
Chưa bao giờ nghĩ một đứa “không nổi, lâu lâu chìm” trong lớp lại được cô nhớ đến. Ấy vậy mà… Ngày vào trường lấy học bạ, vẫn là những câu “Hiền- Chăm- Ngoan” như thầy cô Chủ nhiệm các năm học trước nhưng bất ngờ sao khi bên dưới học bạ của tôi đã có một lời “đề tặng” riêng: Có năng khiếu văn thơ. Không thể ngờ là cô vẫn còn nhớ cái lần làm báo tường (năm nào lớp mình chẳng được giải nhất), lớp đã dùng cuốn sổ thơ của mình làm nội dung chủ đạo. Vẫn biết cô chu đáo mà gần 2 năm ra trường mới cảm nhận cô chẳng hề thờ ơ…
***
Năm thứ 2 đến nhà cô vào ngày Nhà giáo Việt Nam, vẫn căn hộ chung cư ở lầu 5 mà lâu lâu ko leo nên phờ cả người. Vẫn góc nhà đầy sách dạy học lẫn nghiên cứu của hai vợ chồng, ko đủ chỗ cho học trò vào ngồi chơi. Vẫn nhóc Huy trắng bóc ngày càng lém lỉnh. Vẫn vóc người be bé mà Hiếu bảo chừng 2 năm nữa nhóc Huy sẽ to gấp đôi cô. Vẫn những lời hỏi han, đủ biết được cô không đứng ngoài những chuyện đứa này có tình cảm với đứa kia trong lớp, đứa nào đã chia tay những chuyện tình học trò… Mọi thứ cứ tưởng chừng như xưa nhưng…
Nhóc Huy đã vào Tiểu học. Bà Khỉ già đã được học trò tặng hoa trong ngày này. Trường, tuy bỏ dở cổng trường ĐH đã chọn nhưng cũng kịp trở thành thầy giáo dạy Tin (thật ko tin đc 1 người như nó mà cũng có thể làm... thầy giáo). Lại trở thành đồng nghiệp láng giềng của thầy hiệu phó ngày xưa. Cô cũng không còn là giáo viên của mái trường cũ… Vậy mà không hiểu sao nhìn vóc người “hạt tiêu” be bé của cô, tôi cứ tưởng chừng như mọi thứ vẫn còn nguyên…