Nhân nhớ về truyện Tre nở hoa mà mình rất đồng cảm
Nhân chuyện Chích (tự xưng là sinh ra và lớn lên trong nền "văn hóa ẩm thực thịt chó") viết về "Cờ tây"
Mình viết về KiKi của mình…
Có một loài cây chỉ nở hoa lúc cuối đời, nở xong là chết; nở như biết mình đã đến và sẽ ra đi trong cuộc đời; nở như những giây phút dọn mình để giã từ thế giới; nở tưng bừng như điệp khúc một giai điệu tráng ca. Đó là TRE. (Hồ Đăng Thanh Ngọc)
***
Bố ẵm nó về nhà không một lời báo trước, giữa lúc chẳng ai ngờ. Nó khỏe và táo tợn lắm. Bố bảo “dân” sinh sống ở biển đều thế…
Nó có đôi mắt thông minh nhưng cái mặt có vẻ hơi hung tợn. Có lẽ một phần do chưa quen người, quen chỗ. (Hơi khác người, vì lẽ ra người ta phải e dè khi lạ chỗ mới phải). Mẹ chỉ dám ngồi trên giường ngó nó trân trân. Ai đi qua cũng phải ngó nhìn nó bằng cái vẻ vừa thinh thích vừa hơi e dè vì cứ thấy ai có vẻ không thiện cảm với mình là nó lại la toáng lên. Năm ấy, nó tròn 2 tuổi.
Những ngày đầu về nhà, nó chỉ quý mỗi bố. Ở tuổi đấy mà nó cũng dài gần bằng chiều cao của bố chứ chẳng chơi. Cứ xem nó sải hết tay chân mỗi lần đón bố đi làm về thì biết. Sau cả tháng trời rèn luyện, nó cũng quen được với cơm cá nhà bình dân thay cho khẩu phần thịt bò phi lê mỗi ngày trên tàu. Sau 1 tháng làm quen, nó chính thức trở thành thành viên thứ 8 trong nhà với tên gọi thân mật mà mọi người đặt cho: Ki Ki.
Ki Ki là con lai, có gốc đâu tận Đức. Tóc nó mang màu vàng của đất. Mắt giả thông minh. Người bụ bẫm. Bố tôi quý nó lắm. Chẳng nhớ khi bố tôi đi nó có mít ướt không vì khi ấy nó chưa có chỗ trong ký ức của tôi nhưng từ ngày nó quấn quýt với ông, tôi cũng đâm thân nó. Tối nào ba ông cháu cũng ngồi quây quần bên nhau nghe ông kể chuyện. Ki Ki rất khoái được ông rờ đầu. Cái cảm giác đã ngứa, mê mẩn, gần gũi, thoải mái, thư giãn… không thua gì massage ngoài tiệm. Có lẽ biết nó khoái mà mấy bận tôi thấy ông rờ đầu nó đến quên mất món khoái khẩu của mình: thời sự lúc 7 giờ. Ki Ki leo cầu thang rất giỏi. Cầu thang vòng xoắn ốc mà nó phóng như bay khiến ai lần đầu thấy cũng phải kinh ngạc. Giường của nó án ngữ ngay đầu căn gác gỗ, là nơi ấm cúng nhất, yên bình nhất mà Ki Ki có thể rúc vào phòng thủ mỗi khi chạy trốn một điều gì đó làm nó sợ hãi, như pháo nổ những ngày còn chưa cấm đốt pháo chẳng hạn. Nó có nhiều khả năng đặc biệt mà mỗi lần gặp sự cố là mỗi lần chúng tôi phát hiện ra, đầy mới mẻ.
Ngoài ông và bố ra thì có lẽ Ki Ki gần gũi nhất với tôi. Cứ đi học về là tôi chạy vào ôm nó vuốt ve. Tôi thích cái nhắm mắt của nó mỗi lần thấy tôi giả vờ giơ tay lên vỗ đầu. Tôi là người chịu kỳ cọ chén bát cho nó, chỉ cần thấy nó than đói là chạy vào bếp lục tìm cho nó một bữa ngon. Tôi tập kể chuyện cho nó nghe. Rồi vui, buồn cũng tâm sự với nó lúc nào chẳng biết. Tôi không biết nó có hiểu chuyện ‘người lớn’ của tôi không nhưng thấy mắt nó long lanh, mặt gật gù ra vẻ thông cảm, chia sẻ là đủ tin cậy lắm rồi. Có lẽ nó cũng nhận ra tình cảm của tôi với nó nên lúc nào cũng quấn quýt với tôi, ưu ái tôi hơn mấy anh chị em khác. Ăn cơm, nó cũng ngồi cạnh tôi và cũng chỉ có tôi, nó mới chịu để yên cho tròng vào cổ nó một sợi dây chuyền bằng nhựa, hoặc giả nó nghĩ với sức của nó chỉ cần lắc mạnh một cái là sợi dây nhựa bung ra nên chẳng cau có với tôi làm gì. Nó là chúa ghét đeo bất cứ thứ trang sức gì vào người!
Một ngày hè, mẹ mua những cục xương to về nấu cháo. Tất nhiên, Ki Ki là đứa khoái nhất vì hiển nhiên phần xương ấy sẽ thuộc về nó vô điều kiện. Cuối bữa ăn, tôi ngồi nhìn cái vẻ mặt của nó gặm xương vừa háo hức vừa khổ sở vì những cục xương ngoại cỡ, theo cái kiểu bỏ thì thương vương thì tội. Không cầm lòng được, tôi nhảy vào cầm bát xương của nó để ra chỗ khác. Nó vẫn mải mê với cục xương đang gặm dở, tôi vô tư thò tay vào miệng nó móc ra. Đến khi Ki Ki thoát khỏi cái cảm xúc thăng hoa, nhả được cục xương ra thì cả tôi lẫn nó đều hốt hoảng vì tay tôi máu đã chảy thành dòng. Chị tôi la lên khe khẽ, lấy áo quấn tay tôi, vẻ sợ sệt: Giấu đi…Giấu đi… Đừng cho mẹ biết... nhưng hình như không kịp nữa vì mẹ đã nghe tiếng khóc nấc của tôi.
Năm ấy là năm nắng to. Hai mẹ con chạy khắp các trạm xá, giữa cái nắng hầm hập đổ lửa mới tìm được một nơi còn thuốc chích ngừa. Tôi về nhà với cái mu bàn tay băng bó trắng phóc. Mẹ la la nhưng cũng chẳng ai đả động đến Ki Ki. Vậy mà suốt tuần ấy, hôm nào tôi cũng thấy Ki Ki im lặng nằm phục dưới chân bố, ra vẻ hối lỗi. Ai đuổi cũng không đi. Nhìn mặt nó thương thương chẳng nỡ giận... Tay tôi dần lành nhưng dấu răng của Ki Ki ở cổ và mu bàn tay thì thành sẹo, chỉ mờ đi chứ không mất hẳn. Lạ một điều, vết sẹo không làm rạn nứt tình cảm của tôi với Ki Ki mà ngược lại, như một sợi dây liên kết vô hình, gắn chặt tôi và nó. Như người ta vẫn bảo
ai làm cho mình đau thì mình càng yêu người đó hơn vậy. Lẽ dĩ nhiên nó chỉ đúng trong một vài trường hợp cụ thể nào đấy.
(Còn tiếp)
thik cai cho "vet seo ko lam nut tinh cam cua toi voi Kiki ma nguoc lai, nhu mot soi day lien ket vo hình, gan chat toi va no, nhu nguoi t avan bao ai lam dau thi minh cang yeu nguoi do hon vay..."
ReplyDeletethik cai cho "vet seo ko lam nut tinh cam cua toi voi Kiki ma nguoc lai, nhu mot soi day lien ket vo hình, gan chat toi va no, nhu nguoi t avan bao ai lam dau thi minh cang yeu nguoi do hon vay..."
ReplyDeletethik cai cho "vet seo ko lam nut tinh cam cua toi voi Kiki ma nguoc lai, nhu mot soi day lien ket vo hình, gan chat toi va no, nhu nguoi t avan bao ai lam dau thi minh cang yeu nguoi do hon vay..."
ReplyDelete