Blast

Có một cầu vồng vô tình bắc ngang qua. Hai ta muốn qua nhưng vô tình lần lữa. Lỡ một lần rồi thêm một lần nữa...


Wednesday, January 30, 2008

Quy hương ký - Phần 5 (30/1/2008)



PHỐ NÚI MÙA ĐÔNG

Không như ý nghĩ dậy sớm hít thở không khí trong lành ở ngoại thành Hà Nội của tôi, hai chị em mở mắt thì nắng đã kịp chín vàng trên sân. Cái man mát, lành lạnh chưa dứt của buổi sáng làm tôi và Bá vẫn không sao bỏ được cái áo khoác to cộp ra khỏi người. Lên xem đồ hong khô chưa. Cái sân thượng thấp chủm nhưng vẫn khiến lòng thoáng đãng lạ khi nhìn được bao quát toàn thôn. Nghe bác, mẹ bảo ở đây còn có thể thấy được máy bay lên xuống sân bay Nội Bài khi có chuyến. Ngó sang phải, một bụi mía xinh xinh. Ngó sang trái, thấy được rõ ràng ở nhà bên, những trái quýt da cam lấp ló sau tàn lá xanh mà thèm.
Chờ đợi, phụ làm cơm mà lòng vẫn nóng ran khi chưa thấy đại ca đến. Lẽ ra định ăn sáng xong là đi ngay cho sớm mà còn rề rà thế này. Nhà quê, thấy có khách đến mà không ra mâm ra đũa hay con gà, con vịt là không được. Vả lại có nóng lòng cũng không xong vì đi đâu chúng tôi cũng phải đợi rước ông nội “sui gia” về chào một cái rồi mới đi được.
Ông về, gần như cùng lúc với đại ca. Thấy Quân tay bắt mặt mừng, ôm hôn thắm thiết một chị gái mà tôi với Bá cứ ngẩn tò te. Ra đây là chị Liên, em gái anh Minh. Theo sau còn là bé Uyên, 9 tuổi, nó gọi tôi là dì. Ông sui gia đã lão lắm rồi. Người teo tóp lại, có điều dường minh mẫn hơn mấy ngày qua được một chút, có thể nhận ra tôi và Bá để hỏi. Ông không ăn được gì, chỉ toàn truyền dịch và uống sữa, đạm chuyên trị. Ông về nên nhà đông đúc hẳn lên, nào là cán bộ ở xã, nào là hàng xóm, thân thích nội ngoại… Ở đây vẫn có lệ chiếu trên chiếu dưới. Đàn ông con trai mới được ngồi chiếu trên ở phòng khách chung với các cụ. Chúng tôi khách ở xa được miễn lệ, ngồi chung nhưng cả đám cũng chẳng thích cái không khí sặc mùi rượu này, tót lên gác ngồi với chị Liên và bé Uyên cho vui. Mấy dì cháu kịp làm quen với nhau, Uyên còn lanh lẹ dắt tôi và Bá ra một nhà trong thôn mua mía. Một đống mía đổ dài, thích cây nào thì chặt cây ấy nhưng xưa nay tôi và Bá có biết lựa chọn những thứ này bao giờ, đành để Uyên ưng cây nào lấy cây đó vậy. Cây mía to, dài, cả nhà nhai mỏi răng, chỉ có hai nghìn đồng mà con bé thích mê, thấy nó háo hức lại chột dạ nhớ đến mình ngày bé.
Chụp ảnh lưu niệm. Làm như lâu rồi các ông bà ở đây không được chụp ảnh nên mọi người vui lắm. Không hiểu sao trong lúc chụp cho ông sui gia, nhìn cảnh bố con, cháu chắt quây quần bên ông, tôi cứ có ý nghĩ, có thể đây là những bức ảnh sau cùng của ông… (linh cảm này rất ứng nghiệm. Ông mất hơn 3 tháng sau đó, đúng vào dịp chị Xuyên cưới trong Nam...). Tôi cũng chụp được cho bác Thịnh, mẹ Oai một tấm hình riêng của hai người. Ngày cưới, bác mẹ cũng không có ảnh, nếu chúng tôi không chụp thì không biết đến bao giờ bác mẹ mới có tấm hình riêng với nhau. Trong khoảnh khắc cả bác mẹ cùng mỉm cười, hình ảnh bác Trung lướt vèo qua. Dù có thua kém mọi bề, dù đám cưới không có lễ hậu cho nhà gái thì bác Thịnh cũng là người mà mẹ Oai tôi đã chọn và sống với nhau mấy chục năm trời. Không phải là một bác Trung tốt hoàn hảo. Đó mới là thực tế!

Sắp xếp quần áo xong, chúng tôi chào tạm biệt mọi người lên đường. Uyên ở lại chơi với ông bà ngoại, nó đã kịp nhớ tên của hai dì. Ba xe nhưng chỉ có hai người lái: anh Minh và chị Liên. Một xe trống để chở đồ. Quân không biết chạy, tôi thì lơ mơ nên đành phó mặc cho Bá. Cuối cùng đội hình xuất phát: Tôi với Bá một xe, chị Liên chở Quân và đồ đạc tất nhiên anh Minh chịu trách nhiệm. Đoạn đường từ đây lên Thái Nguyên không phải ngắn, ít ra xẩm chiều chúng tôi mới đến nơi được.
Chỉ một đường thẳng nên cũng dễ đi. Gió ù ù thổi theo tốc độ xe chạy hơn 45 km/h. Trời hửng nắng mà vẫn rét đến lạ. Dù đã trùm hết mọi thứ và ôm một đống đồ đạc trong người, tôi vẫn cứ co ro. “Thở ra khói rồi này!
- Đó, xem mấy phim Hàn Quốc cứ thích trời có nắng mà vẫn thở ra khói, giờ thì được nếm mùi rồi, thích chưa!
Tôi và Bá nói chuyện trong cái giọng run run, tiếng lập cập của hai hàm răng đôi khi va vào nhau và tiếng rên hừ hừ không biết của đứa nào…

***
Qua trạm thu phí Thái Nguyên, chừng hơn một giờ tôi co ro nép mình sau lưng Bá thì đến chợ Vĩnh Phúc. Rẽ vào một con đường toàn đá lổm nhổm. Chạy xe mà cứ như đang ngồi trên lưng ngựa. Bụi bay mù trời, mà có phải do xe nào khác ngoài xe của chị Liên chạy phía trước đâu. Chị Liên quen đường nên phóng như bay, Bá hai tay nắm chặt tay lái cho khỏi bị hất văng ra vì đường dằn xóc. Tôi ôm Bá khư khư nhưng cũng kịp nhìn được quang cảnh Thái Nguyên. Hai bên là ruộng rau, đồng lúa. Là màu xanh mướt ngút ngàn. Là cảnh núi đồi hùng vĩ. Là những con nước tĩnh lặng phía xa xa. Xóm Gốc Nhội hiện ra khi qua một cái đập nước. Vẫn nhớ chị Xuyên kể ngày trước mỗi lần nước lớn qua khỏi đập là cả khu thành sông, suốt ngày ru rú trong nhà chẳng đi đâu được. Trái cây, củ quả chín đầy nhà đành để úng vì ăn không kịp mà không thể đem đi bán…
Qua những con hẻm ngoặt ngoèo với những bụi tre, rừng cây rậm rạp cuối cùng cũng vào được nhà chị Liên. Trong lúc Bá xoa đôi bàn tay đỏ rần, thì tôi đã kịp đem đồ vào nhà và nhảy lên thích thú với vườn vải, ruộng bắp của nhà chị Liên. Ngôi nhà gạch đặc trưng miền Bắc nhưng cũng không khác gì lắm nhà trong Nam hiện nay. Anh Thuận, chồng chị Liên thấp người, da đậm màu của dân trong vùng, niềm nở đón những cô em họ vợ lần đầu mới gặp. Tôi và Bá tắm qua loa. Nói là tắm cho oai chứ chẳng đứa nào có cái gan ngâm mình trong nước lúc này. Trời rét, gió lùa, cởi áo khoác ra thôi đã thấy răng muốn đập vào nhau. Nước lạnh như nước đá mà chẳng thể chờ đun nước sôi. Dội hai gáo nước mà tưởng tim mình muốn ngừng đập. Vả lại, còn bao nhiêu điều thích thú đang chờ chúng tôi ngoài kia.
Đi vòng quanh xem vườn rau, gốc táo, bầy gà. Xem mấy chục gốc vải mà vẫn hằng tưởng tượng lúc rộ mùa. Cây vải thâm thấp, vừa tầm con nít leo chứ không to như tôi vẫn nghĩ. Độ này, vải chỉ mới lú nhú vài nụ hoa. Anh chị bảo về hè thì tha hồ mà ăn vải, hái vải, có điều hè ở đây gió Lào thổi qua, nóng kinh khiếp. Cháy da cháy thịt. Nghe thế là niềm háo hức được xem hơn 60 gốc vải lủng liểng trái trong tôi
xụi lơ hết tám, chín phần. Nhà ở đây thưa thớt, mỗi người “hùng cứ” một phương. Đứng ở sân nhìn bốn phía trong tầm mắt cũng chỉ là địa phận của một nhà, cùng lắm len được sang vườn nhà người khác chứ chẳng thấy nhà cửa đâu sất.
Nồi bắp luộc vừa chín tới. Chẳng biết sao anh chị lại hiểu ý cả ba đứa đến thế! Bắp già, không ngọt vị ngọt của đường như chúng tôi vẫn ăn ở Thành phố nhưng có vị ngọt của cây nhà lá vườn, của bắp vừa mới bẻ. Gặm bắp mỏi răng. Nói chuyện được với anh Thuận thêm vài câu bên ấm chè, đủ để quen tên nhau, chúng tôi nhanh chóng được hai đứa cháu dẫn ra ruộng bẻ bắp cho thỏa tính hiếu kỳ. Ruộng bắp ngay trước nhà, trái nào trái nấy to đùng nhưng chị Liên bảo cuối mùa rồi nên hơi già. Thằng bé Dương độ chừng 9 tuổi, ôm thúng, lon ton dẫn các cậu dì ra, chỉ cách bẻ bắp như thế nào. Có cái việc bẻ bắp thôi, thấy nó làm thoăn thoắt mà mình vặn cũng lắm nhiêu khê. Được tự tay bẻ bắp, thích quá nên tôi và Bá xếp đầy cả thúng. Cái mắt to hơn cái mồm. Mấy cậu-dì-cháu còn dí nhau giỡn 1 lúc nữa mới vào nhà. Ruộng bắp không đến nỗi rộng lắm nhưng quay đi quay lại 1 tí cũng đủ lạc nhau.
Tiếp theo là đến nhà anh Oanh. Anh Oanh là con cả của mẹ Oai. Ngày cưới, anh ấy cũng có gửi ảnh vào nhưng cái ảnh hồi ấy chỉ là một thằng nhóc non choẹt, giờ đã là người đàn ông trụ cột của gia đình nhỏ – 4 người. Anh Oanh đúng kiểu người chất phác, xuề xòa, hay lam hay làm. Chị Năm khá xinh, so trên mặt bằng của vùng nửa đồng bằng, nửa trung du trên này. Thằng bé Vương mới 4 tuổi, mặt mày lem luốc nhưng được cái hay cười, lại cười rất tươi. Bé Hoàng trạc tuổi Dương, mặt sáng sủa. Mọi người vẫn nhắc chuyện mới đây nó đi chăn bò, mải chơi thế nào để bò đi lạc, sợ đến nỗi không dám về nhà…
Anh Minh đang quét tước lại nhà cửa, sân vườn. Nồi bánh chưng còn chờ, trâu bò cần người trông. Mẹ Oai, bác Thịnh lên Hà Nội chăm ông nên anh Minh phải về coi sóc việc nhà cửa của hai cụ. Góc nhà nhỏ xinh xinh. Cổ hơn nhà của hai anh chị kia là lẽ đương nhiên. Nửa gạch, nửa gỗ. Cái xe công nông để trong sân. Cây cau trước cổng, cây khế xum xuê trái sau nhà, nhìn thích mắt nhưng mỗi điều nó chua lè chua lét nên chẳng ai buồn ăn. Để đến được chỗ anh Minh, phải vượt qua một đoạn suối mà ai không quen rất dễ té nhào. Vậy mà chị Liên vẫn cho xe qua được. Đoạn suối không lớn lắm, nhưng lội qua cũng đủ ướt hết chân. Mùa lũ thì đừng hòng qua lại. Gác xép phía trên nhà anh Minh là bao tải lớn vải khô, thứ thỉnh thoảng mẹ Oai vẫn gửi vào làm quà mỗi lần có dịp. Thứ này thì chỉ mỗi nhà mẹ Oai còn.
Sáu anh em, dì cháu ra xemvườn chè. Vườn chè bạt ngàn mà mẹ vẫn kể trong những câu chuyện ngày xưa, thời mẹ chưa cưới thỉnh thoảng vẫn lên thăm, hái giúp mẹ Oai. Leo cây chụp hình, Quân còn giỡn với cả con bò anh Minh vênh bên đồi cho nó ăn cỏ. Vượt qua con suối to với bãi sỏi rộng lớn, nước trong veo nhìn được cả cua cá, chúng tôi đến khu đồi mấy anh chị mới tậu. Anh Minh bảo bên kia suối là khu vực của người dân tộc, Tày, Thái gì đấy, thi thoảng vẫn gùi đồ đi ngang. Một quả đồi to, đầy cây tràm cừ. Men theo lối nhỏ leo lên.
Thằng bé Vương 4 tuổi thoăn thoắt leo lên, chạy xuống ngọn đồi cao mười mấy mét làm tôi và Bá phát khiếp. Tôi cũng có chút kinh nghiệm leo trèo nhưng Bá thì suýt té lăn quay nếu không có một nhánh cây đỡ lại. Cuối cùng cả mấy anh em dừng chân bên kè đá lưng chừng đồi, vì “Leo lên đến đỉnh chắc tối mất!”. Trời đã bắt đầu nhập nhoạng, vùng rừng núi trời tối rất mau, dù mới chưa đến 5 giờ chiều. Mặt trời xuống đỏ kè một bên suối làm suối có ráng vàng đến là đẹp. Biết làm sao đem dòng suối yên tĩnh này vào Sài Gòn? Còn thơ thẩn nói chuyện bên dòng suối một lúc mới “kéo quân” về nhà chị Liên.
Chị Năm, anh Oanh cũng tập trung qua phụ bếp núc. Mấy anh em lần đầu gặp nhau nhưng không hề có một chút cảm giác xa lạ gì! Anh đèn điện lờ mờ. Anh lửa bập bùng, loi choi. Tiếng chó sủa râm ran. Tiếng côn trùng kêu rỉ rả. Bên ngoài là màn đêm đen kịt, chỉ gió lạnh và cây xào xạc. Đã biết thế nào là đêm không trông thấy rõ mặt người, có ai ngồi ngay cạnh mình cũng không biết - như mẹ vẫn tả. Cánh đàn ông uống rượu, cánh phụ nữ uống nước ngọt, nước trà. Lúc nào mình và Bá cũng được quan tâm. Hỏi han chuyện trong Nam ngoài Bắc, chuyện về quê…
Trong cuộc vui của cánh đàn ông, Quân cũng nâng chén. Nó uống vài ly đã ngà ngà. Tôi và Bá nhìn nó ra hiệu thôi uống, nó vẫn khẳng khái lý sự chưa bao giờ nó uống vì bố nó mà biết là “quýnh chết”, chỉ vì lần này anh em lâu ngày gặp nhau, không biết bao giờ mới lại có dịp như vậy, vui nên uống thôi. Nó bắt đầu nói những thứ chỉ có rượu mới cạy miệng nổi. Nó nhận xét về chị em tôi, về tôi. Chưa bao giờ nghĩ nó lại suy nghĩ chững chạc như vậy. Ở đây, lúc đi ra ngoài, nó đã không còn là đứa vẫn hay đùa giỡn, chọc phá tôi lóc chóc như ở nhà.
Ai cũng giữ chúng tôi lại nốt ngày mai, chờ vợ chồng chị Xuyên về luôn thể. Cả đám cũng không nỡ rời, cũng muốn đi chơi thêm nữa nhưng lộ trình đã vạch ra sẵn. Mọi người ở quê đang chờ từng ngày, không thể nấn ná được. Tàn bữa, cánh phụ nữ dọn dẹp rồi cho con cái về nhà đi ngủ. Cánh đàn ông lăn quay ra ngủ trong buồng. Chỉ còn vài giờ nữa, chúng tôi lại phải khởi hành, chia tay. Phần vì không muốn ngủ, phần vì có cái phòng duy nhất đủ ấm áp thì Quân đã lăn quay ra cùng mấy đứa cháu, không còn chỗ để chen vào nên tôi và Bá ra trò chuyện cùng anh Minh bên bếp lửa đang đun nước. Lửa tí tách loại củi bằng thân cây sắn mà trong Nam vẫn hay gọi là khoai mì. Khẽ co ro, xuýt xoa mỗi khi gió lạnh lùa vào. Sương buông trên đầu. Càng về sáng càng thấm cái lạnh phố núi. Anh Minh có vẻ uống ít nên còn tỉnh táo. Tâm sự chuyện nhà cửa, gia đình. Ước muốn nhiều nhưng có những việc anh ấy không thể tự mình quyết định. Anh ấy là con trai út, là người sau cùng chưa thành gia lập thất nên vẫn còn nặng nợ chuyện hương khói tổ tiên, chăm lo hai bác.
Bá vào ngủ trước, tôi và anh Minh còn nói chuyện tiếp cho đến khi vào đánh thức Quân dậy để chuẩn bị đồ đạc. Chị Liên không ai gọi cũng tỉnh như sáo lo cơm nước cho mấy đứa em. Mới hơn 3 giờ sáng. Trời vẫn tối om om. Hầu như ai cũng chợp mắt được có tí rồi tỉnh hẳn. Anh Thuận dậy chia tay, chia chân. Những cái bắt tay, lời chúc. Hẹn nhau mùng 6 cho mấy đứa cháu về quê mừng thượng thọ ông.
Quyến luyến chẳng nỡ rời. Thấy lòng mình cứ ngùi ngùi một nỗi niềm khó tả. Nhớ cái giọng ngọng líu của bé Vương khi gọi hai dì mà thương.
Anh Minh, anh Oanh và chị Liên chở ba đứa ra tỉnh lộ phía ngoài. Vẫn còn đường đá lổm nhổm lúc chiều mới chạy vô. Con đường bé tẹo, quanh co. Tối thui không một bóng đèn. Hai bên là ruộng mà chỉ những người quen đường mới không xỉa xuống. Một chị phụ nữ (tôi đoán vậy) lóc cóc đạp xe đi chợ sớm. Đúng là chỉ có quen mới dám đi vào lúc này, giờ này, con đường này. Anh Minh chỉ cho xem nhà mẹ vợ anh Oanh, mẹ chồng chị Liên mà nào có thấy được gì. Trời lạnh đến độ dù ngồi sau, hai chân cứ lập cập va vào chân người ngồi trước. Anh đèn ngoài đại lộ lờ nhờ, đủ để nhận ra đây cũng là một vùng đang phát triển. Tôi ôm chị Liên trong hai lớp áo khoác dày cộp mà vẫn phải nhảy loi choi lên cho đỡ lạnh. Miệng người nào người nấy thở phà ra khói.
Vợ chồng chị Xuyên đã đến ga nhưng không kịp gặp. Tiễn chúng tôi xong anh Minh lại chạy ngay lên Hà Nội để đón và lo liệu vài chuyện bên nhà ông. Xe về thẳng Thanh Hóa trên con đường này chỉ có một tuyến duy nhất vào một giờ duy nhất: 4 giờ 30 sáng. Trời lạnh mà chờ mãi, chờ mãi mới thấy nó qua. Chào tạm biệt lần sau cùng, thấy tụi tôi lên xe khuất hẳn, ba anh chị ấy mới yên tâm quay đi…

Phần 1
Phần 2
Phần 3
Phần 4

No comments:

Post a Comment

Hạnh phúc

* Hạnh phúc = Trao đổi + chia sẻ + kết nối yêu thương = My name. Nếu hạnh phúc đơn giản chỉ là những nụ cười, tôi muốn níu mãi những nụ cười bất tận, cùng bạn bè, gia đình và những người tôi yêu thương!
* Cuộc đời chỉ có một, mong muốn tình yêu cũng có 1 nhưng lại có duyên với... số 2 ^^.