Blast

Có một cầu vồng vô tình bắc ngang qua. Hai ta muốn qua nhưng vô tình lần lữa. Lỡ một lần rồi thêm một lần nữa...


Thursday, January 31, 2008

Lá rụng về cội??



Đôi khi thấy mình thật mâu thuẫn. Lòng mình ko chỉ xẻ đôi mà là ba, bốn phần: phần mong-phần ko mong, phần nhẹ nhõm, phần đáng mừng, phần thờ ơ, lạnh lùng, dửng dưng. Cái cảm giác khi đã đi quen trong những vùng lầy lội, tối tăm nhất, đến lúc ra chỗ khô ráo, sáng sủa lại thấy lạ lẫm, ko biết có nên mừng hay ko. Như người quê quen nền đất, lên ở nền gạch của thành phố chưa hẳn đã thấy thích vậy...
Vẫn biết "Lá rụng về cội" nhưng đó là khi những phần ngọt ngào, tươi xanh nhất đã đi qua??
Có gì đấy bực dọc. Có gì đấy mơ hồ trong linh cảm. Có những điều thật ứng nghiệm mà chính mình cũng ko mong đợi lắm. Lạ chưa...
Có chút đồng cảm, tâm đắc với Dời bến của NNT.img

Wednesday, January 30, 2008

Quy hương ký - Phần 5 (30/1/2008)



PHỐ NÚI MÙA ĐÔNG

Không như ý nghĩ dậy sớm hít thở không khí trong lành ở ngoại thành Hà Nội của tôi, hai chị em mở mắt thì nắng đã kịp chín vàng trên sân. Cái man mát, lành lạnh chưa dứt của buổi sáng làm tôi và Bá vẫn không sao bỏ được cái áo khoác to cộp ra khỏi người. Lên xem đồ hong khô chưa. Cái sân thượng thấp chủm nhưng vẫn khiến lòng thoáng đãng lạ khi nhìn được bao quát toàn thôn. Nghe bác, mẹ bảo ở đây còn có thể thấy được máy bay lên xuống sân bay Nội Bài khi có chuyến. Ngó sang phải, một bụi mía xinh xinh. Ngó sang trái, thấy được rõ ràng ở nhà bên, những trái quýt da cam lấp ló sau tàn lá xanh mà thèm.
Chờ đợi, phụ làm cơm mà lòng vẫn nóng ran khi chưa thấy đại ca đến. Lẽ ra định ăn sáng xong là đi ngay cho sớm mà còn rề rà thế này. Nhà quê, thấy có khách đến mà không ra mâm ra đũa hay con gà, con vịt là không được. Vả lại có nóng lòng cũng không xong vì đi đâu chúng tôi cũng phải đợi rước ông nội “sui gia” về chào một cái rồi mới đi được.
Ông về, gần như cùng lúc với đại ca. Thấy Quân tay bắt mặt mừng, ôm hôn thắm thiết một chị gái mà tôi với Bá cứ ngẩn tò te. Ra đây là chị Liên, em gái anh Minh. Theo sau còn là bé Uyên, 9 tuổi, nó gọi tôi là dì. Ông sui gia đã lão lắm rồi. Người teo tóp lại, có điều dường minh mẫn hơn mấy ngày qua được một chút, có thể nhận ra tôi và Bá để hỏi. Ông không ăn được gì, chỉ toàn truyền dịch và uống sữa, đạm chuyên trị. Ông về nên nhà đông đúc hẳn lên, nào là cán bộ ở xã, nào là hàng xóm, thân thích nội ngoại… Ở đây vẫn có lệ chiếu trên chiếu dưới. Đàn ông con trai mới được ngồi chiếu trên ở phòng khách chung với các cụ. Chúng tôi khách ở xa được miễn lệ, ngồi chung nhưng cả đám cũng chẳng thích cái không khí sặc mùi rượu này, tót lên gác ngồi với chị Liên và bé Uyên cho vui. Mấy dì cháu kịp làm quen với nhau, Uyên còn lanh lẹ dắt tôi và Bá ra một nhà trong thôn mua mía. Một đống mía đổ dài, thích cây nào thì chặt cây ấy nhưng xưa nay tôi và Bá có biết lựa chọn những thứ này bao giờ, đành để Uyên ưng cây nào lấy cây đó vậy. Cây mía to, dài, cả nhà nhai mỏi răng, chỉ có hai nghìn đồng mà con bé thích mê, thấy nó háo hức lại chột dạ nhớ đến mình ngày bé.
Chụp ảnh lưu niệm. Làm như lâu rồi các ông bà ở đây không được chụp ảnh nên mọi người vui lắm. Không hiểu sao trong lúc chụp cho ông sui gia, nhìn cảnh bố con, cháu chắt quây quần bên ông, tôi cứ có ý nghĩ, có thể đây là những bức ảnh sau cùng của ông… (linh cảm này rất ứng nghiệm. Ông mất hơn 3 tháng sau đó, đúng vào dịp chị Xuyên cưới trong Nam...). Tôi cũng chụp được cho bác Thịnh, mẹ Oai một tấm hình riêng của hai người. Ngày cưới, bác mẹ cũng không có ảnh, nếu chúng tôi không chụp thì không biết đến bao giờ bác mẹ mới có tấm hình riêng với nhau. Trong khoảnh khắc cả bác mẹ cùng mỉm cười, hình ảnh bác Trung lướt vèo qua. Dù có thua kém mọi bề, dù đám cưới không có lễ hậu cho nhà gái thì bác Thịnh cũng là người mà mẹ Oai tôi đã chọn và sống với nhau mấy chục năm trời. Không phải là một bác Trung tốt hoàn hảo. Đó mới là thực tế!

Sắp xếp quần áo xong, chúng tôi chào tạm biệt mọi người lên đường. Uyên ở lại chơi với ông bà ngoại, nó đã kịp nhớ tên của hai dì. Ba xe nhưng chỉ có hai người lái: anh Minh và chị Liên. Một xe trống để chở đồ. Quân không biết chạy, tôi thì lơ mơ nên đành phó mặc cho Bá. Cuối cùng đội hình xuất phát: Tôi với Bá một xe, chị Liên chở Quân và đồ đạc tất nhiên anh Minh chịu trách nhiệm. Đoạn đường từ đây lên Thái Nguyên không phải ngắn, ít ra xẩm chiều chúng tôi mới đến nơi được.
Chỉ một đường thẳng nên cũng dễ đi. Gió ù ù thổi theo tốc độ xe chạy hơn 45 km/h. Trời hửng nắng mà vẫn rét đến lạ. Dù đã trùm hết mọi thứ và ôm một đống đồ đạc trong người, tôi vẫn cứ co ro. “Thở ra khói rồi này!
- Đó, xem mấy phim Hàn Quốc cứ thích trời có nắng mà vẫn thở ra khói, giờ thì được nếm mùi rồi, thích chưa!
Tôi và Bá nói chuyện trong cái giọng run run, tiếng lập cập của hai hàm răng đôi khi va vào nhau và tiếng rên hừ hừ không biết của đứa nào…

***
Qua trạm thu phí Thái Nguyên, chừng hơn một giờ tôi co ro nép mình sau lưng Bá thì đến chợ Vĩnh Phúc. Rẽ vào một con đường toàn đá lổm nhổm. Chạy xe mà cứ như đang ngồi trên lưng ngựa. Bụi bay mù trời, mà có phải do xe nào khác ngoài xe của chị Liên chạy phía trước đâu. Chị Liên quen đường nên phóng như bay, Bá hai tay nắm chặt tay lái cho khỏi bị hất văng ra vì đường dằn xóc. Tôi ôm Bá khư khư nhưng cũng kịp nhìn được quang cảnh Thái Nguyên. Hai bên là ruộng rau, đồng lúa. Là màu xanh mướt ngút ngàn. Là cảnh núi đồi hùng vĩ. Là những con nước tĩnh lặng phía xa xa. Xóm Gốc Nhội hiện ra khi qua một cái đập nước. Vẫn nhớ chị Xuyên kể ngày trước mỗi lần nước lớn qua khỏi đập là cả khu thành sông, suốt ngày ru rú trong nhà chẳng đi đâu được. Trái cây, củ quả chín đầy nhà đành để úng vì ăn không kịp mà không thể đem đi bán…
Qua những con hẻm ngoặt ngoèo với những bụi tre, rừng cây rậm rạp cuối cùng cũng vào được nhà chị Liên. Trong lúc Bá xoa đôi bàn tay đỏ rần, thì tôi đã kịp đem đồ vào nhà và nhảy lên thích thú với vườn vải, ruộng bắp của nhà chị Liên. Ngôi nhà gạch đặc trưng miền Bắc nhưng cũng không khác gì lắm nhà trong Nam hiện nay. Anh Thuận, chồng chị Liên thấp người, da đậm màu của dân trong vùng, niềm nở đón những cô em họ vợ lần đầu mới gặp. Tôi và Bá tắm qua loa. Nói là tắm cho oai chứ chẳng đứa nào có cái gan ngâm mình trong nước lúc này. Trời rét, gió lùa, cởi áo khoác ra thôi đã thấy răng muốn đập vào nhau. Nước lạnh như nước đá mà chẳng thể chờ đun nước sôi. Dội hai gáo nước mà tưởng tim mình muốn ngừng đập. Vả lại, còn bao nhiêu điều thích thú đang chờ chúng tôi ngoài kia.
Đi vòng quanh xem vườn rau, gốc táo, bầy gà. Xem mấy chục gốc vải mà vẫn hằng tưởng tượng lúc rộ mùa. Cây vải thâm thấp, vừa tầm con nít leo chứ không to như tôi vẫn nghĩ. Độ này, vải chỉ mới lú nhú vài nụ hoa. Anh chị bảo về hè thì tha hồ mà ăn vải, hái vải, có điều hè ở đây gió Lào thổi qua, nóng kinh khiếp. Cháy da cháy thịt. Nghe thế là niềm háo hức được xem hơn 60 gốc vải lủng liểng trái trong tôi
xụi lơ hết tám, chín phần. Nhà ở đây thưa thớt, mỗi người “hùng cứ” một phương. Đứng ở sân nhìn bốn phía trong tầm mắt cũng chỉ là địa phận của một nhà, cùng lắm len được sang vườn nhà người khác chứ chẳng thấy nhà cửa đâu sất.
Nồi bắp luộc vừa chín tới. Chẳng biết sao anh chị lại hiểu ý cả ba đứa đến thế! Bắp già, không ngọt vị ngọt của đường như chúng tôi vẫn ăn ở Thành phố nhưng có vị ngọt của cây nhà lá vườn, của bắp vừa mới bẻ. Gặm bắp mỏi răng. Nói chuyện được với anh Thuận thêm vài câu bên ấm chè, đủ để quen tên nhau, chúng tôi nhanh chóng được hai đứa cháu dẫn ra ruộng bẻ bắp cho thỏa tính hiếu kỳ. Ruộng bắp ngay trước nhà, trái nào trái nấy to đùng nhưng chị Liên bảo cuối mùa rồi nên hơi già. Thằng bé Dương độ chừng 9 tuổi, ôm thúng, lon ton dẫn các cậu dì ra, chỉ cách bẻ bắp như thế nào. Có cái việc bẻ bắp thôi, thấy nó làm thoăn thoắt mà mình vặn cũng lắm nhiêu khê. Được tự tay bẻ bắp, thích quá nên tôi và Bá xếp đầy cả thúng. Cái mắt to hơn cái mồm. Mấy cậu-dì-cháu còn dí nhau giỡn 1 lúc nữa mới vào nhà. Ruộng bắp không đến nỗi rộng lắm nhưng quay đi quay lại 1 tí cũng đủ lạc nhau.
Tiếp theo là đến nhà anh Oanh. Anh Oanh là con cả của mẹ Oai. Ngày cưới, anh ấy cũng có gửi ảnh vào nhưng cái ảnh hồi ấy chỉ là một thằng nhóc non choẹt, giờ đã là người đàn ông trụ cột của gia đình nhỏ – 4 người. Anh Oanh đúng kiểu người chất phác, xuề xòa, hay lam hay làm. Chị Năm khá xinh, so trên mặt bằng của vùng nửa đồng bằng, nửa trung du trên này. Thằng bé Vương mới 4 tuổi, mặt mày lem luốc nhưng được cái hay cười, lại cười rất tươi. Bé Hoàng trạc tuổi Dương, mặt sáng sủa. Mọi người vẫn nhắc chuyện mới đây nó đi chăn bò, mải chơi thế nào để bò đi lạc, sợ đến nỗi không dám về nhà…
Anh Minh đang quét tước lại nhà cửa, sân vườn. Nồi bánh chưng còn chờ, trâu bò cần người trông. Mẹ Oai, bác Thịnh lên Hà Nội chăm ông nên anh Minh phải về coi sóc việc nhà cửa của hai cụ. Góc nhà nhỏ xinh xinh. Cổ hơn nhà của hai anh chị kia là lẽ đương nhiên. Nửa gạch, nửa gỗ. Cái xe công nông để trong sân. Cây cau trước cổng, cây khế xum xuê trái sau nhà, nhìn thích mắt nhưng mỗi điều nó chua lè chua lét nên chẳng ai buồn ăn. Để đến được chỗ anh Minh, phải vượt qua một đoạn suối mà ai không quen rất dễ té nhào. Vậy mà chị Liên vẫn cho xe qua được. Đoạn suối không lớn lắm, nhưng lội qua cũng đủ ướt hết chân. Mùa lũ thì đừng hòng qua lại. Gác xép phía trên nhà anh Minh là bao tải lớn vải khô, thứ thỉnh thoảng mẹ Oai vẫn gửi vào làm quà mỗi lần có dịp. Thứ này thì chỉ mỗi nhà mẹ Oai còn.
Sáu anh em, dì cháu ra xemvườn chè. Vườn chè bạt ngàn mà mẹ vẫn kể trong những câu chuyện ngày xưa, thời mẹ chưa cưới thỉnh thoảng vẫn lên thăm, hái giúp mẹ Oai. Leo cây chụp hình, Quân còn giỡn với cả con bò anh Minh vênh bên đồi cho nó ăn cỏ. Vượt qua con suối to với bãi sỏi rộng lớn, nước trong veo nhìn được cả cua cá, chúng tôi đến khu đồi mấy anh chị mới tậu. Anh Minh bảo bên kia suối là khu vực của người dân tộc, Tày, Thái gì đấy, thi thoảng vẫn gùi đồ đi ngang. Một quả đồi to, đầy cây tràm cừ. Men theo lối nhỏ leo lên.
Thằng bé Vương 4 tuổi thoăn thoắt leo lên, chạy xuống ngọn đồi cao mười mấy mét làm tôi và Bá phát khiếp. Tôi cũng có chút kinh nghiệm leo trèo nhưng Bá thì suýt té lăn quay nếu không có một nhánh cây đỡ lại. Cuối cùng cả mấy anh em dừng chân bên kè đá lưng chừng đồi, vì “Leo lên đến đỉnh chắc tối mất!”. Trời đã bắt đầu nhập nhoạng, vùng rừng núi trời tối rất mau, dù mới chưa đến 5 giờ chiều. Mặt trời xuống đỏ kè một bên suối làm suối có ráng vàng đến là đẹp. Biết làm sao đem dòng suối yên tĩnh này vào Sài Gòn? Còn thơ thẩn nói chuyện bên dòng suối một lúc mới “kéo quân” về nhà chị Liên.
Chị Năm, anh Oanh cũng tập trung qua phụ bếp núc. Mấy anh em lần đầu gặp nhau nhưng không hề có một chút cảm giác xa lạ gì! Anh đèn điện lờ mờ. Anh lửa bập bùng, loi choi. Tiếng chó sủa râm ran. Tiếng côn trùng kêu rỉ rả. Bên ngoài là màn đêm đen kịt, chỉ gió lạnh và cây xào xạc. Đã biết thế nào là đêm không trông thấy rõ mặt người, có ai ngồi ngay cạnh mình cũng không biết - như mẹ vẫn tả. Cánh đàn ông uống rượu, cánh phụ nữ uống nước ngọt, nước trà. Lúc nào mình và Bá cũng được quan tâm. Hỏi han chuyện trong Nam ngoài Bắc, chuyện về quê…
Trong cuộc vui của cánh đàn ông, Quân cũng nâng chén. Nó uống vài ly đã ngà ngà. Tôi và Bá nhìn nó ra hiệu thôi uống, nó vẫn khẳng khái lý sự chưa bao giờ nó uống vì bố nó mà biết là “quýnh chết”, chỉ vì lần này anh em lâu ngày gặp nhau, không biết bao giờ mới lại có dịp như vậy, vui nên uống thôi. Nó bắt đầu nói những thứ chỉ có rượu mới cạy miệng nổi. Nó nhận xét về chị em tôi, về tôi. Chưa bao giờ nghĩ nó lại suy nghĩ chững chạc như vậy. Ở đây, lúc đi ra ngoài, nó đã không còn là đứa vẫn hay đùa giỡn, chọc phá tôi lóc chóc như ở nhà.
Ai cũng giữ chúng tôi lại nốt ngày mai, chờ vợ chồng chị Xuyên về luôn thể. Cả đám cũng không nỡ rời, cũng muốn đi chơi thêm nữa nhưng lộ trình đã vạch ra sẵn. Mọi người ở quê đang chờ từng ngày, không thể nấn ná được. Tàn bữa, cánh phụ nữ dọn dẹp rồi cho con cái về nhà đi ngủ. Cánh đàn ông lăn quay ra ngủ trong buồng. Chỉ còn vài giờ nữa, chúng tôi lại phải khởi hành, chia tay. Phần vì không muốn ngủ, phần vì có cái phòng duy nhất đủ ấm áp thì Quân đã lăn quay ra cùng mấy đứa cháu, không còn chỗ để chen vào nên tôi và Bá ra trò chuyện cùng anh Minh bên bếp lửa đang đun nước. Lửa tí tách loại củi bằng thân cây sắn mà trong Nam vẫn hay gọi là khoai mì. Khẽ co ro, xuýt xoa mỗi khi gió lạnh lùa vào. Sương buông trên đầu. Càng về sáng càng thấm cái lạnh phố núi. Anh Minh có vẻ uống ít nên còn tỉnh táo. Tâm sự chuyện nhà cửa, gia đình. Ước muốn nhiều nhưng có những việc anh ấy không thể tự mình quyết định. Anh ấy là con trai út, là người sau cùng chưa thành gia lập thất nên vẫn còn nặng nợ chuyện hương khói tổ tiên, chăm lo hai bác.
Bá vào ngủ trước, tôi và anh Minh còn nói chuyện tiếp cho đến khi vào đánh thức Quân dậy để chuẩn bị đồ đạc. Chị Liên không ai gọi cũng tỉnh như sáo lo cơm nước cho mấy đứa em. Mới hơn 3 giờ sáng. Trời vẫn tối om om. Hầu như ai cũng chợp mắt được có tí rồi tỉnh hẳn. Anh Thuận dậy chia tay, chia chân. Những cái bắt tay, lời chúc. Hẹn nhau mùng 6 cho mấy đứa cháu về quê mừng thượng thọ ông.
Quyến luyến chẳng nỡ rời. Thấy lòng mình cứ ngùi ngùi một nỗi niềm khó tả. Nhớ cái giọng ngọng líu của bé Vương khi gọi hai dì mà thương.
Anh Minh, anh Oanh và chị Liên chở ba đứa ra tỉnh lộ phía ngoài. Vẫn còn đường đá lổm nhổm lúc chiều mới chạy vô. Con đường bé tẹo, quanh co. Tối thui không một bóng đèn. Hai bên là ruộng mà chỉ những người quen đường mới không xỉa xuống. Một chị phụ nữ (tôi đoán vậy) lóc cóc đạp xe đi chợ sớm. Đúng là chỉ có quen mới dám đi vào lúc này, giờ này, con đường này. Anh Minh chỉ cho xem nhà mẹ vợ anh Oanh, mẹ chồng chị Liên mà nào có thấy được gì. Trời lạnh đến độ dù ngồi sau, hai chân cứ lập cập va vào chân người ngồi trước. Anh đèn ngoài đại lộ lờ nhờ, đủ để nhận ra đây cũng là một vùng đang phát triển. Tôi ôm chị Liên trong hai lớp áo khoác dày cộp mà vẫn phải nhảy loi choi lên cho đỡ lạnh. Miệng người nào người nấy thở phà ra khói.
Vợ chồng chị Xuyên đã đến ga nhưng không kịp gặp. Tiễn chúng tôi xong anh Minh lại chạy ngay lên Hà Nội để đón và lo liệu vài chuyện bên nhà ông. Xe về thẳng Thanh Hóa trên con đường này chỉ có một tuyến duy nhất vào một giờ duy nhất: 4 giờ 30 sáng. Trời lạnh mà chờ mãi, chờ mãi mới thấy nó qua. Chào tạm biệt lần sau cùng, thấy tụi tôi lên xe khuất hẳn, ba anh chị ấy mới yên tâm quay đi…

Phần 1
Phần 2
Phần 3
Phần 4

Tuesday, January 29, 2008

Quy hương ký - Phần 4



Cứ mỗi dịp gần Tết lại nhớ, lại nhắc mãi về những kỷ niệm, những câu chuyện ngày ra Bắc. Mới nhớ ra "Quy hương ký". Sẽ post hết trước khi đi...


Phần 1
Phần 2
Phần 3

Đường về ngang qua huyện Đông Anh. Tôi không nghĩ được là xe buýt cũng chịu chạy trên những tuyến đường đất bề ngang chỉ độ chừng một mét như thế này. Ngồi trong xe vẫn thấy được từng đám bụi cuộn lên theo mỗi bước nhảy cóc của bánh xe buýt. Những đoạn đường khá hơn mới thấy được đúng chất thôn quê tôi cần tìm. Những trại cá giống, những ao nước, ruộng rau, những vườn đào, quất xen kẽ làm mát mắt cả chặng đường khiến tôi chẳng thể rời mắt nổi. Lần đầu tiên được thấy hoa đào thật, be bé xinh xinh và những cây quất lủng liểng trái vàng ruộm. Quất ở đây rõ ràng to hơn trái tắc trong Sài Gòn nhiều.

Bá vẫn đang ngủ gục ở ghế phía trên. Hai chị em không có ghế gần cạnh nhau để ngồi, tôi quen đứng rồi thì không nói làm gì, xưa giờ ở thành phố, Bá có đi xe buýt lần nào đâu. Sắp đến trạm, tôi gọi Bá dậy, không quên quả bưởi đẹp mắt mua về làm quà. Bưu điện Phủ Lỗ đây rồi. Xe dừng thả chúng tôi xuống trạm rồi tiếp tục chạy thẳng về Tam Đa. Chấm dứt những khoảnh khắc lo lo khi ngồi trên xe buýt mà bảng chỉ dẫn đường đi hướng mũi tên về những địa danh lạ hoắc như sân bay Nội Bài, đồi Sao Vàng… cứ vèo vèo lướt ngang qua. Kịp nhìn thấy những tấm bảng hiệu bên đường để biết mình đang ở huyện Sóc Sơn, nơi nổi tiếng với tích về một chàng Phù Đổng.
Bá có vẻ đã khỏe hơn. Vào bưu điện gọi điện thoại cho chú Dung như lời đại ca dặn lúc chia tay ở trước ga. Nghe giọng tôi là chú Dung nhận ra ngay, chẳng phải vì thân quen gì mà vì cái giọng lạ đặc trưng chỉ có ở miền Nam. Hai chị em không biết chú Dung là ai, bao nhiêu tuổi chứ đừng nói gì đến chuyện nhận ra nhau. Chấp nhận một thực tế là người đi đón và khách được đón chẳng ai có thể nhận ra ai ngoài linh cảm và đoán đại. Chẳng thế mà tôi và Bá đã tần ngần mãi trước một người đàn ông vừa trờ đến, quay trước ngó sau như tìm người, nhưng rồi trước khi chúng tôi kịp hỏi, ông ấy đã phóng vù đi. Giật mình khi không phải chỉ có một người như vậy, không lý giải được tại sao thời điểm này lại có nhiều người đàn ông dừng lại ngó quanh quất tìm người đến thế. Đôi khi sáu mắt nhìn nhau, đôi khi ngờ ngợ định đến hỏi nhưng rồi kịp phát hiện ra đó không phải là chú Dung. Cho đến khi một người mấp mé tuổi trung niên phóng xe đến trước mặt và hỏi “Hai cháu có phải là con…”. “Dạ phải!”, mừng quá, chú Dung đây rồi.


Thắc thỏm khi chú thản nhiên… tống ba nhưng chú nhanh chóng gạt bỏ lo lắng ấy của tôi khi bảo qua bên kia đường vào ngã rẽ là đến nhà rồi. Con đường đất be bé, hai bên đều là vườn đào chạy dài ngút mắt với những gốc đào be bé, xương xương và những nụ hoa đã chúm chím hồng. Cái cổng đê đặc trưng của làng quê Bắc Bộ làm tôi cứ ngoái đầu nhìn mãi. Đã thấy gió mát trở lại, dù đang là giữa trưa. Con đường lát đan bé dần, quanh co sau vài cái ngoặt trái phải và cuối cùng dừng lại trước một cánh cổng gỗ cũng be bé nốt. Hai chị em bước xuống, ngó quanh. Chú Dung đã quay đầu xe chạy mất, chỉ kịp nghe chú ấy bảo “Thôi, chú về trước nhé!”.

Ngôi nhà tường chính diện, phía trái là một khu đất trống trông như một cái vườn nho nhỏ, có thể đặt một cái chuồng gia cầm hay bắc bếp nấu nướng. Bên phải là một lối đi nhỏ đi thẳng vào khu bếp, gắn liền với sân. Một người phụ nữ trung niên ngoảnh ra. Mái tóc búi cao loe hoe những sợi bạc, gương mặt xương xương, gò má, đôi môi và nhất là nụ cười đặc trưng, nụ cười của mẹ. Thế nên, dù chưa từng gặp mặt trước đó bao giờ, chúng tôi vẫn có thể nhận ra ngay: Mẹ Oai. Quê tôi có tục gọi chị gái của mẹ mình cũng là mẹ nhưng có tên đi kèm sau. Từ bé, mẹ đã tập cho tụi tôi cách gọi này qua những câu chuyện kể nên giờ chẳng thấy ngượng miệng khi thốt thành lời. Mà có lẽ những người ruột rà máu mủ, dù có xa cách đến thế nào đi nữa cũng có một mối dây thân thiết nhanh chóng đến kỳ lạ. Mẹ Oai ôm hai đứa, vuốt tóc, vỗ vai khen lớn, chẳng thể nhận ra nổi rồi bảo hai đứa lên phòng cất đồ, nghỉ ngơi.

Có dịp để ngắm kỹ mẹ Oai hơn, vóc dáng cao ráo, thon thả, sống mũi cao được thừa hưởng từ ông, làn da trắng (dù bây giờ đã lốm đốm đồi mồi) được thừa hưởng từ bà ngoại… Tất cả đều phảng phất nét thanh tú của một hoa khôi làng thời còn con gái. Mẹ tôi vẫn tự hào ngày xưa mẹ Oai xinh nhất làng, bao nhiêu trai làng trót phải lòng, bao nhiêu đám tốt cứ dòm ngó, lôi kéo. Ay vậy mà rồi cả làng phải ngẩn ngơ khi mẹ Oai quyết định xây dựng gia đình ở một nông trường khỉ ho cò gáy, với một người “thường thường bậc trung” mọi mặt.

Tôi vẫn ấn tượng câu chuyện về bác Trung, người mẹ Oai đã từng tự nguyện đính ước trước khi theo ông lên nông trường ở Thái Nguyên. Phải là người xứng đáng thế nào mới có thể khiến trai làng thời ấy cam tâm, tình nguyện rút lui trong “cuộc chiến” giành hoa khôi làng nhanh đến vậy. Bác Trung, theo lời mẹ tôi kể là một chàng trai khôi ngô tuấn tú, học hành khá nhất nhì làng lúc ấy, lại luôn đối xử tốt với mẹ Oai lẫn gia đình vợ tương lai. Đặc biệt, bác rất mực cưng chiều em gái vợ tương lai (tức mẹ tôi), làm gì cũng nhờ tư vấn, đi đâu về cũng có quà. Chả thế mà bao nhiêu người cứ dụ dỗ, biếu xén quà bánh cố lấy lòng cô em để dòm ngó cô chị nhưng mẹ tôi vẫn quấn quýt với mỗi “anh Trung”.

Ngặt một nỗi, b
ác Trung lại nhập ngũ, làm việc trong quân đội nên thời gian ở nhà không nhiều. Yêu thương, quan tâm với mẹ Oai chỉ còn là những lá thư đều đặn thăm hỏi, động viên… Quyết định gì, bác Trung cũng suy nghĩ cho tương lai, hạnh phúc của mẹ Oai. Ngay cả khi mẹ Oai có ý định theo ông lên nông trường làm việc, biết thay đổi môi trường có thể làm mẹ Oai tôi thay đổi, bác Trung cũng không mảy may ngăn cản. Ngay cả khi mẹ Oai xao lãng dần tình cảm với bác Trung do sự chăm nom của người ngay bên cạnh, để rồi nói lời chia tay bác Trung và đi lấy chồng thì bác ấy cũng không hề oán giận.
Thập niên 60 của thế kỷ 20, cái thời mà người ta vẫn coi trọng đính ước của cha mẹ hai bên chứ đừng nói có sự đồng thuận của cả người con gái, chỉ cần hôn ước không thành thì ba bảy sáu cơn gì hai nhà cũng không thể “đội trời chung” được nữa huống gì một bên tự hủy ước trước. Vậy mà bác Trung lại viết thư về cho ông bà ngoại tôi để thủ thỉ: “Con với em Oai có duyên mà không có phận. Giờ con ở xa, cũng chẳng chăm lo được cho em Oai và gia đình. Em Oai đã ưng thuận ai thì bố mẹ cứ để cho em ấy xây dựng hạnh phúc với người đó, đừng ngăn cản, trách mắng làm gì mà tội…”.


Ngày ấy, ông bà ngoại tôi giận mẹ Oai lắm nhưng cũng nhờ bức thư ấy mà ông bà đành phó mặc lựa chọn của cô con gái ương bướng. Đám cưới mẹ Oai diễn ra trên Hà Nội đơn giản đến mức có thể, ông bà ngoại lẫn mẹ và dì tôi đều không thể có mặt để chúc mừng. Bác Trung sau đấy ngày càng thăng tiến trong sự nghiệp, trở thành một nhân vật có địa vị trong ngành. Thỉnh thoảng, bác vẫn còn đến nhà thăm ông bà ngoại tôi. Ngay cả khi lập gia đình rồi có con, vẫn dắt “thằng cháu” xuống chơi, vẫn gọi ông bà ngoại tôi hai tiếng “bố mẹ” như ngày nào…

Đến tôi nghe chuyện mà còn… tiếc. Thử hỏi tìm đâu được mấy người như bác Trung giữa nhân gian này?


Quân từ đâu đã đứng ngay sau mẹ Oai làm tôi thoát khỏi dòng suy nghĩ miên man đột ngột. Trên tay nó là một cái nồi cỡ trung với những dải thịt heo to tướng. Nó gườm gườm nhìn tôi và Bá rồi đặt nồi thịt xuống thành bếp, theo chân hai chúng tôi lên phòng với danh nghĩa: “Để con xách đồ, chỉ phòng cho hai chị ấy nhá mẹ”. Bước lên từng bậc cầu thang lạnh ngắt. Giường, nệm sờ vào chẳng khác gì cục nước đá. Ngồi một tí cho ấm chỗ. Quân giờ mới giở giọng vừa đay nghiến vừa ra vẻ phụng phịu làm tôi và Bá cũng ngơ ngác không biết gì:
- Hai chị nhớ nhá, đi chơi Hà Nội một mình mà không cho tôi theo. Nhớ lấy nhá…
- Một mình đâu, hai mình đàng hoàng nha…
- Ơ hay nhỉ, tụi tao tưởng mày không thích đi chơi nên mới về cùng đại ca. Sao lúc ấy không để đại ca đem đồ về rồi đi với tụi tao luôn còn nói – tôi và Bá thi nhau biện minh mà cũng không ngờ là nó giận thật.
- Lúc ấy tôi mà không về cùng anh Minh thì đời nào anh ấy để hai chị đi chơi. Hai chị nhớ lấy, không thèm chơi với hai chị nữa…

Nói rồi nó đi xuống nhà vì mẹ Oai đã gọi cái gì đó. Tôi và Bá lo tắm rửa. Mẹ Oai biết ý đã sai Quân bắc bếp nấu nước cho hai chị tắm. Nó phụng phịu “Sao mẹ cưng hai chị ấy thế” mẹ Oai gạt ngay “Gờm, cái thằng này, hai chị mới đi về mệt…” làm tôi thích chí. Nhà tắm và nhà bếp thông nhau bằng một lối đi nhỏ độ chừng nửa mét. Ngăn giữa bếp và sân là cánh cửa gỗ, khép lại cũng kín chán. Chưa kịp yên tâm thì cả hai chị em phát hiện ra cái cửa sổ bằng lưới ở sát bên cánh cửa gỗ ấy, có lẽ là để cho bếp được thông thoáng. Khổ nỗi từ ngoài nhìn qua cửa sổ vào bếp vô đến tận phòng tắm lại thông thống, chẳng có rào cản nào. Chưa từng thấy lối kiến trúc nào như vậy trước đó, tôi và Bá đành nhăn răng nhập gia tùy tục. Người tắm vội, người nhẩn nhơ đứng ngay cửa sổ dòm đất trời.

Anh Minh đã về Thái Nguyên để lo liệu tết nhất trên ấy. Các anh chị khác cũng không ghé về. Đây là nhà bố Bác Thịnh, chồng mẹ Oai. Cái tục ở quê tôi cũng lạ, tôi gọi mẹ Oai nhưng không gọi bố Thịnh mà vẫn cứ bác Thịnh như thường. Lẽ ra chúng tôi về thẳng Thái Nguyên nhưng vì bác mẹ phải ra đây chăm sóc ông ốm nên tiện đường chúng tôi ghé qua đây để chào hỏi, nghỉ ngơi trước khi lên đường. Bữa cơm đầu tiên mừng ngày đầu gặp mặt đều do Quân trổ tài, mẹ Oai chỉ cung cấp nguyên liệu. Có rượu, có thịt. Đưa cho hai chị em ly rượu vải, đặc sản ở nhà làm, Bác Thịnh khề khà “Uống đi, tốt cho tiêu hóa lắm đấy!”.
Bác Thịnh quả không được điển trai, tầm vóc trung trung, dong dỏng cao, gương mặt xương xương với hàm răng lung lay và xỉn màu vì thuốc lào. Trông bác đứng tuổi hơn mẹ Oai tôi nhiều, dù ở thời điểm hai ông bà đã có cháu nội ngoại. Mẹ tôi vẫn hay nửa đùa nửa thật bảo “Nhắc lại chuyện xưa cũng chẳng để làm gì, nói cam tội chẳng hiểu được chị ấy ưng anh Thịnh ở điểm nào. Đẹp trai không, giàu có không, chiều vợ không, làm lụng bình thường, mà cả cái khoản đối xử với ông bà cũng chẳng bằng được anh Trung. Người xưa nói quả không sai, nhất cự ly”.

Bá nghe rượu vải tưởng như nước ép trái cây, đưa ly lên ngang mũi là nhăn mặt không chịu được. Tôi được khuyến khích là tốt cho tiêu hóa nên cũng tranh thủ nhấp một ngụm, không thấy cay xè như người ta vẫn tả về rượu, chỉ cảm nhận một vị đắng nghét rồi thôi. Đang ăn thì có vài vị khách trong xóm ghé qua, giới thiệu họ hàng ở xa về chơi. Mâm cơm xuất hiện thêm đôi đũa cái chén. Lâu rồi mới lại thấy cái cảnh này.

Trái bưởi xinh đẹp Bá cất công đem về từ Hà Nội được dịp bổ ra để mời ông sui gia sau bữa cơm nhưng trái với háo hức của hai chị em, bên trong lớp vỏ đẹp đẽ xinh xắn kia chỉ toàn cùi, cùi và một vài múi bưởi khô khốc, quắt queo chẳng ăn được một tép. Mẹ Oai an ủi “Thôi ông cũng không thích bưởi lắm đ
âu” còn Quân được dịp hể hả: “Bưởi này chắc người ta để cũng cả tháng rồi. Bà ấy hẳn cười như nghé khi vớ được hai chị. Chỉ được cái hám đồ đẹp. Chừa cái tật không cho tôi đi cùng đi nhé!”.


Mệt mỏi sau chặng đường đi bộ giờ mới ngấm, hai chị em leo lên giường, kéo cái chăn vừa nặng vừa lạnh như nước đá lên đắp cho qua cái co ro. Đánh một giấc đến chiều, lúc tỉnh lại mới sực nhớ thau đồ dơ còn chưa giải quyết. Ai dè, Quân đã “đảm đang”… giặt giùm dưới chỉ thị của mẹ Oai. Những bộ đồ đã giăng trên ban công tầng trên, hi vọng đến sáng mai kịp khô để về Thái Nguyên. Thầm biết ơn nó, cũng biết tính nó rồi nên chúng tôi chỉ giả vờ lườm khi nó móc mỉa “Đợi hai chị có mà đồ thối mất!”. Chúng tôi vẫn khen nó tháo vát thế mai mốt vợ được nhờ. Trời chiều, gió ngày càng se sắt hơn. Lúc nào hai chị em cũng khoác áo to sù sụ. Không khí này thì ngồi bên bếp lửa là hay nhất. Bếp lửa rơm đặt phía ngoài cái góc vườn bên góc trái của sân lúc đi vào. Có một cái chuồng gà nho nhỏ đã “bỏ hoang” từ lâu. Vài con mèo đang nằm cuộn mình sưởi ấm. Bên trên bếp là ấm nước đang reo. Ngồi cạnh Quân, hít cái mùi rơm, mùi khói của làng quê, yên bình và thoải mái đến lạ. Đôi lúc hơi cay cay mắt, lấy tay làm quạt cho khói bay về hướng khác.
Quân vẫn làu bàu ra vẻ ấm ức lắm vì chuyện bị tụi tôi “bỏ rơi” để đi chơi Hà Nội một mình. Đã vậy, mẹ Oai cưng hai cô cháu gái xưa giờ chưa gặp, cái gì cũng sai Quân làm nên nó càng có cớ để bực. Ngay cả nồi thịt chiên để chuẩn bị gói bánh chưng cũng không thoát khỏi tay nó. Quân bảo tôi: “Chị chiên thịt cho mẹ Oai kìa!” nhưng tôi lè lưỡi chọc bảo “Chị cũng muốn làm lắm ấy chứ, khổ nỗi mẹ Oai có tin tưởng giao cho đâu…”. Vả lại nói thế thôi chứ Quân cũng thừa biết tôi làm gì trở tay kịp với bếp lửa rơm như nó, khéo lại hỏng hết thịt lại khổ. Biết thế nên tôi cũng ngồi cạnh xem nó chiên thịt cho nó đỡ tủi. Nhóc này người lớn lúc nào chứ ba cái vụ ganh tỵ, tủi thân thì tôi rành quá rồi!


Càng về tối trời càng lạnh dần. An xong, bác Thịnh cũng đi nghỉ sớm để mai vào viện chăm ông. Nhà thắp điện tù mù. Ba chị em theo chân mẹ Oai ra ngoài, mẹ bảo đi mua hàng, sẵn ghé sang vài nhà chơi cho biết. Quân đi trước, hai chị em tôi khoác tay mẹ hai bên. Ai cũng mặc áo len, choàng khăn kín mít mà tay vẫn không khỏi run run. Ngỡ ngàng khi thấy mình nói chuyện thở ra khói. Cảm giác lạnh hơn cả cái hồi xuống ga Đà Nẵng lúc 4 giờ sáng. Thấy mình thật ngố khi mẹ bảo mua nến mà không biết là đèn cầy. Đôi khi cứ toàn nghĩ đến nghĩa địa phương có thể là nhang mà quên mất một nghĩa khá thông dụng của nó…

Nhà cô Dung đang gói bánh chưng, bánh tét. Cả nhà đầy lá, gạo, đậu, lạt. Từ bé đến lớn đều tham gia rộn rịp đông vui. Hơi ngạc nhiên khi ở đây cũng gói bánh tét, tôi cứ nghĩ món này là của riêng miền Nam cơ đấy. Cô Dung là em ruột bác Thịnh. Giờ thì tôi biết người đón hai chị em lúc trưa là em rể bác Thịnh rồi. Có điều, tôi cũng chẳng hiểu Dung là tên thật của chú ấy hay cô ấy hay là cả hai vì thấy ai cũng là Dung cả. Tự hỏi mình ở đây có tục gọi tên vợ theo chồng không nhỉ?

Ngồi nói chuyện, hỏi han một chút. Mọi người khi nghe về hành trình của chúng tôi thì cứ gọi là tròn xoe mắt. Chú Dung cười bảo: “Thế này thì chỉ có ngồi trên xe là nhiều chứ đi chơi được bao!”. Bà cụ mẹ chồng cô Dung trông rất phúc hậu vẫn không ngớt thoăn thoắt gói những chiếc bánh vuông vức. Màu lạt tươi rói, màu lá xanh um. Mùi thơm của gạo thịt, của không khí đầm ấm gia đình. Anh Minh gọi điện về đúng lúc, như đã hẹn trước. Tôi và Bá đẩy Quân vào nghe để bảo anh Minh xuống sớm đón lên Thái Nguyên. 9 giờ tối, ở đây như đã khuya lắm rồi. Không nhiều đèn điện. Không nhiều ti vi để giải trí nên mọi người đi ngủ sớm. Con đường thôn vắng ngắt. Đi ngang nhà nào là chó nhà nấy sủa inh ỏi. Họa hoằn còn được vài ông vác cái bàn ra trước nhà uống trà nói chuyện. Sương xuống mờ mờ. Cảm giác đầu mình lạnh ngắt. Ba mẹ con rảo bước về nói chuyện ầm ĩ. Thấy tôi và Bá than lạnh, mẹ Oai bảo ở Thái Nguyên còn lạnh hơn. Một cơn gió thốc qua, khẽ rùng mình…

Chăn mùng đã mắc sẵn nhưng lạnh như đang ở trong tủ lạnh. Bỏ dép ra bước lên nền nhà đã thấy chân mình tím tái. Quân biết ý, chui vào giường tôi với Bá nằm trước. Nó ủ chăn nệm cho ấm rồi mới gọi tôi và Bá lên. Hơi cảm động. Sao ở nhà nó con nít là vậy, giành ăn với hai chị là vậy mà đi ra biết lo cho hai chị thế không biết! Tấm chăn nặng trịch như có người đè lên. Vẫn lạnh, nhất là tay chân. Ba chị em còn nói chuyện rù rì một lúc lâu nữa về chuyện tôi với Bá ở Hà Nội rồi mới cố nhắm mắt cho quên cái lạnh đang hiện hữu quanh mình! Cũng may, tôi và Bá đã kịp dạo được một vòng Hà Nội chứ nghe lời đại ca dụ về nhà trước thì có mà mơ mới được quay lại Hà Nội chơi.

Đêm dần đặc dần, đêm đầu tiên ở Hà Nội. Không gian tĩnh mịch, im ắng. Thảng nghe tiếng gió rít, tiếng cửa kêu kin kít và cả tiếng chó sủa râm ran từ nơi xa thẳm nào vọng lại. Tôi co mình, kéo chăn lút đầu…

Đi... (29/1/2008)

Mẹ đã bớt buồn, giận dỗi. Hoặc do mình cảm thấy vậy. Hoặc do mình vẫn ở đây, chưa đến ngày đi, chưa Tết nhất nên vậy. Đã định cận ngày mới nói (như năm trước tối mùng 1 đi, sáng mùng 1 mới báo) vì biết tính mẹ ko nỡ, sợ lại gàn tới lui. Nhưng cũng sợ sự đường đột làm mẹ hẫng...
Ai cũng bảo... "khùng". Bạn bè hơi ngạc nhiên. Bữa giờ từ trên xuống dưới đều làm "công tác tư tưởng". Có chút chùng lòng nhưng không bị sức ép. Giá có sức ép lại hay vì với mình càng ép càng muốn "thoát ly" (làm điều ngược lại), đỡ suy nghĩ. Có báo với Bìm Bịp, nó cũng không khác mọi người là bao nhưng sau khi nghe mình lý giải, nó hiểu và dặn dò "Đừng để người khác phải lo vì mình". Cũng có nghĩ đến lời khuyên của chị nhưng tiếc là lịch trình ko cho phép điều đó.
Quyết định đi. Lần đầu cũng là lần duy nhất. Biết ko thể ngăn đứa con gái ương bướng, mẹ từng chút một thích ứng. Có lẽ những người khác sẽ ko hiểu tại sao chuyện này ở nhà mình lại là một vấn đề như vậy. Mọi người đều bảo năm rồi lúc nào mẹ cũng nhắc "Gọi điện xem nó đến đâu rồi". Năm nay, liên lạc khó khăn hơn nhưng sẽ cố gọi về cho mẹ thường xuyên. Mỗi lần đi ra thấy mẹ lại ngùi ngùi. Lúc nào cũng hỏi "Trưa con có về ko?". Hóa ra là để mua những món mình thích ăn... Vậy mà mấy bận cũng lỗi hẹn với mẹ.
Nói ra mới nhớ, 2 năm rồi không ăn Tết ở nhà... Năm nay nữa là năm thứ 3. Còn 4 bữa nữa thôi!

Friday, January 25, 2008

Sài Gòn mùa đông (25/1/2008)

Những ngày mùa đông thật lạ ở SG. Trời hanh hảnh, mưa lùn phùn, lúc ào ào, lúc rỉ rả. Mưa xuân hay mưa đông mà rét buốt?! Gió thốc lạnh co ro, cái lạnh hun hút, hoang vắng của đêm Nam SG để rồi sau đó ngẩn người ra khi thấy trăng lung linh, trong trẻo. Chẳng hiểu sao đã qua rằm rồi mà mấy bữa trăng lại đẹp và sáng đến vậy!
Những ngày mùa đông ở SG, khí trời thật lạ. Con nhỏ bảo "Chắc tại t sắp xa SG nên thế!". Ngồi thẫn thờ mãi ở công viên đến sẩm tối. Nếu ko vì con... sâu lông thì có lẽ còn ngồi lại ngắm SG cho đã thèm đến tối mịt mới thôi. Mấy hôm đều nghe nó lải nhải: "Ui, t nhớ SG quá đi mất!". Ko hẹn mà gặp, những kẻ sắp cuốn gói về nhà lại đụng nhau lục cục ở đây, một bữa tất niên "đạm bạc" đến "lang bạt".
Một sáng mùa đông. Ko ngủ nướng đc, chẳng biết vì lạ chỗ hay vì tiếng trống trường ầm ầm sát bên? Ko biết đã biến đi đâu mất, từ bao giờ cái cảm giác tung tăng tung tẩy lúc sớm mai thế này? Những thắc thỏm, lo lắng... muôn đời của SV, rồi cũng ổn thỏa. Chia tay ở ga, sau lưng là một bà cụ đang giàn giụa nước mắt, con nhỏ bảo "Ê, hai đứa bay ko khóc à?". Cười, đá hờ nó một cái rồi quay ra. Nếu là chia tay của 10 tháng sau thì có thể...
"Tàu dừng tránh tàu. Xung quanh tối om, chỉ có 1 đốm lửa của chòi canh rẫy. Mùi đất, mùi gió lành lạnh. Mới mưa xong. Bây giờ lại ước ở trong cái chòi có đám lửa nhỏ". Lãng đãng đúng chất LV. 41 tiếng, đủ để nó miên man, nghĩ ngợi... mệt nghỉ. Ngày mốt, Apple cũng "biến" khỏi SG. Hẹn hò ở TH với những dự định, kế hoạch cũng "phiêu lưu" như mình cái ngày vác ba lô ra Bắc. HN đang rét, 10 độ. TH cũng đang rét. Đôi khi thèm cảm giác quẳng hết mọi thứ để về một nơi ko phải lo nghĩ gì!

Đặt chân vào lại TT sau hơn 3 tháng. Mà ko, chỉ ghé qua thôi. Có chút gì đó thân thuộc, gần gũi. Nhớ trang báo con nhỏ giở ra sáng nay và... nhẩm tính. Có một cái gì đó như thôi thúc, như ước muốn...
"Nằm nghe xôn xao tiếng đời, mà ngỡ ai đó nói cười...". Chợt nghe Nỗi nhớ mùa đông. Thấm cái hun hút, xa vắng... Tiếng chuông nhà thờ vẫn boong boong cuối chiều. Thấy se se lòng thật.
Có những ngày mùa đông ở SG, thật lạ!

Tuesday, January 22, 2008

Hoa tre - Phần cuối (22/1/2008)



Có một loài cây chỉ nở hoa lúc cuối đời, nở xong là chết; nở như biết mình đã đến và sẽ ra đi trong cuộc đời; nở như những giây phút dọn mình để giã từ thế giới; nở tưng bừng như điệp khúc một giai điệu tráng ca. Đó là TRE. (Hồ Đăng Thanh Ngọc)

...

Truyện ngắn Tre nở hoa (báo TN)

Hoa tre - phần 1

Tiếp theo phần 2

KiKi có khẩu vị thật lạ, lạ hơn hết thảy những kiki khác mà tôi từng biết. Nó thích bánh mì đến mê dại. Chỉ cần ngửi thấy mùi bánh mì thoang thoảng từ đầu cổng, nó đã luồn ra khỏi góc ấm cúng của mình chạy xuống. Nó làm những ai lần đầu đến nhà tôi cũng phải ngạc nhiên vì kiểu cách... xin ăn rất ‘nghệ thuật’. Ngồi nhìn người khác ăn, nó liếm mép rồi lấy tay... khều với cái mặt ngây thơ đến là thương. Chẳng ai từ chối nó được đến lần khều thứ 2. Những ngày bệnh, nó cũng chẳng thiết ăn gì ngoài bánh mì, những hôm ấy thấy tội nó, mấy chị em nhịn cả tiền quà để có ít sữa trộn vào bánh cho nó ăn. Không kể kẹo, bánh, ngoài bánh mì, Ki Ki nhai cơm dừa rào rạo. Không biết có phải vì nhà tôi có cây dừa, thỉnh thoảng mấy anh em vẫn trẩy quầy xuống ăn, nó ăn ké nên thành thói quen không nữa. Có điều Ki Ki không xin ăn dừa bao giờ, ai có lòng tốt thì cứ cắn từng miếng nhỏ cho nó ăn, vậy thôi. Ki Ki cũng ăn chuối, đậu phộng và uống... nước đá. Không có sự cách biệt nào lớn giữa những món tụi tôi chơi đồ hàng, nhà chòi với những món Ki Ki khoái khẩu, chắc thế mà thành hợp rơ.

Chỉ một điều hơi ‘quái’ trong khẩu vị của Ki Ki, đó là thuốc. Không cần biết là loại thuốc gì, sơ sẩy một tí là Ki Ki xơi gọn. Tôi chỉ phát hiện ra trong một lần bị cảm, đang ngán ngẩm vì thuốc quá nhiều, chưa kịp uống chỉ quay đi một lúc thôi, ngó lại đã thấy vơi hơn nửa. Đang ngạc nhiên vì quanh đi quẩn lại, thuốc chẳng thể văng đi đâu xa được thì càng ngạc nhiên hơn khi thấy Ki Ki đang liếm mép vẻ khoái trá. Từ đấy, mỗi lần uống thuốc, tôi cứ phải giữ rịt lấy thuốc của tôi hoặc dè chừng để tránh tầm tay, tầm mắt và tầm miệng của Ki Ki.

Cứ thế Ki Ki trở thành thành viên út của gia đình, đi qua từng biến cố, chặng đường. Từ ngày ông về quê, ngoài mẹ, chỉ còn tôi là chăm nó nhất nhưng cũng duy trì được đến cuối năm tôi học cấp hai. Những năm cấp ba, Ki Ki vẫn hiện diện trong từng thời khắc cuộc sống nhưng tôi không dành được nhiều thời gian cho nó nữa ngoài những tối học khuya có nó trông chừng, bầu bạn. Thêm nữa, đó cũng là khoảng thời gian sức khỏe Ki Ki bắt đầu sa sút. Sự thân thiết, quen thuộc đến độ tôi chưa từng nghĩ những ngày không có Ki Ki sẽ thế nào. Ấy vậy mà Ki Ki lớn nhanh và già nhanh lắm với cái tuổi của nó.

Một ngày đầu đông năm thứ 12 Ki Ki về với nhà tôi, nó trở bệnh nặng. Tuổi già đã lấy đi vẻ nào sự tinh anh của nó. Ki Ki không leo nổi cầu thang nữa và giả chăng nó có muốn ở lại cái ổ thiên đường của mình thì tôi và mẹ cũng không cho phép. Nhìn nó mỗi lần lên cầu thang với đôi chân già yếu, đôi lúc muốn khuỵu xuống là tôi lại lo lo. Phải cố chặn cầu thang mãi, mấy lần lên không được, Ki Ki mới quen với việc dời tổ ấm xuống dưới chân cầu thang. Rồi nó nằm bẹp một chỗ không đi được nữa, đôi lúc rên rỉ với cơn đau và đôi mắt đau đáu nhìn tôi lưng tròng. Mẹ phải lau người cho Ki Ki thường xuyên, tóc nó rụng lỗ chỗ. Vuốt một cái thôi đã được một túm đầy tay, chẳng khác nào người ta bị bệnh ung thư. Tôi chẳng còn giỡn được với nó cái kiểu... thò tay vào miệng bẻ răng nanh nó nữa. Nhìn những mẩu bánh mì khô khốc quắt queo trong tô nó mà phiền. Nó không ăn được, chỉ còn uống sữa qua ngày, thậm chí có hôm chẳng nuốt nổi sữa. Ngày nào đi học về, vào thăm nó cũng thấy ngùi ngùi. Mẹ bảo chắc nó chẳng còn ở lại được bao lâu...

Những ngày gần cuối đời của Ki Ki, cả nhà cố làm hết những gì nó mong muốn (tất nhiên là chỉ theo suy đoán), để nó được toại nguyện. Nó bớt đau hơn, bớt rên rỉ hơn và trong một khoảnh khắc nào đó, sức sống hồi phục. Một ngày cuối đông, đang ngồi học trong lớp, bất giác nhìn ra ngoài sân, tôi thấy rõ ràng là Ki Ki đang chạy nhảy. Một phút linh cảm bất an. Tan học, đi như chạy về nhà, mẹ bảo Ki Ki đã ra đi, thanh thản. Tôi giấu cái phút nhìn thấy Ki Ki chạy vào trường chào tôi trước khi đi, cái ảo giác mà chỉ tôi hiểu không phải là hoang tưởng.

Ki Ki nằm ngay dưới gốc trứng cá trước cổng. Mẹ bảo để bảo vệ nó trước những ‘con’ khác và cũng là để nó tiếp tục giữ nhà như những gì nó đã tận tụy với nhà tôi hơn chục năm qua. Mẹ nhắn nhủ với nó vài lời, chị thở dài xon xót, mấy anh em trai cố cho nó một góc vuông vức, bằng phẳng. Những ngày không Ki Ki, điều ngố nhất mà ai cũng mắc phải là gặp bất cứ món ngon gì Ki Ki khoái khẩu, lại vô tư ‘Để cái này lát cho Ki Ki ăn...’ rồi lại ngớ ra, cười xòa, lặng im một khắc. Có hôm còn cất tiếng gọi Ki Ki đã đời, khản cổ mới kịp nhận ra là mình ngố.

Mẹ không nhận về thêm bất cứ một kiki nào nữa. Còn tôi, từ dạo ấy vui buồn gì cũng leo lên cây trứng cá trĩu quả nằm thủ thỉ, cho đến khi cây trứng cá chỉ còn là một cái gốc rễ trơ trũi...

(HẾT)

________

Ảnh: kiki xinh xắn nhà Toàn (BC 04). Tuy không thích lắm chó lông xù nhưng bé kiki này khá dễ thương và không tin đc là bạn Toàn đã... nhuộm tóc đen cho nóimg.

Hoa tre - Phần 2 (22/1/ 2008)



Có một loài cây chỉ nở hoa lúc cuối đời, nở xong là chết; nở như biết mình đã đến và sẽ ra đi trong cuộc đời; nở như những giây phút dọn mình để giã từ thế giới; nở tưng bừng như điệp khúc một giai điệu tráng ca. Đó là TRE. (Hồ Đăng Thanh Ngọc)

...

(Tiếp theo phần 1)

Ki Ki đủ bản lĩnh để tự bảo vệ mình và bạn bè của nó. Bằng chứng là bất cứ đối thủ nặng kí nào đi qua nhìn thấy nó cũng phải gườm mặt. Nó từng cào chết mấy con mèo hay con gà nhà hàng xóm lơ ngơ đi lạc. Chiến công lừng lẫy của nó trong lần hạ đo ván con chuột cống cáo già, to gần bằng bắp chân khiến ai cũng phải nể vài phần. Nó tự do đi lại trong lãnh địa của mình, lúc thì nằm ở nhà dưới nhìn thẳng ra đường trông chừng thiên hạ, khi nằm ườn ra sân phơi nắng, mắt nheo nheo lại trông đến là hay. Có hôm hứng chí lại chạy ra vườn bò lăn bò toài quậy với đám rau cải xanh tơ vừa mới nhú. Cả nhà quen để Ki Ki tự do làm điều nó thích, đến giờ ăn mới gọi nó vào bàn. Tuy nhiên, Ki Ki tuyệt nhiên không thích chạy rông ngoài đường. Vả chăng trong nhà đã quá đủ đồ cho nó chơi rồi. Vài lần có để cửa toang hoang nó cũng chẳng buồn ra khỏi lãnh địa, trừ khi có đứa nào dòm ngó địa vị của nó. Thế nhưng địa vị độc tôn của nó cũng có lúc lung lay khi có sự xâm lấn với thế lực bảo trợ mạnh hơn nó. Điển hình như con Đen.

Đen là cục cưng của chị hàng xóm, kế cận nhà tôi. Gọi Đen là vì toàn thân nó là một màu đen thui, tất nhiên xấu hơn Ki Ki nhiều. Ngày đầu đến nhà tôi, Đen đã bị Ki Ki gầm gừ nhưng với sự có mặt của chị hàng xóm, thêm sự cảnh cáo trước của mẹ nên Ki Ki chẳng dám động thủ gì ngoài việc nhìn con Đen đầy cảnh giác. Chẳng hiểu có phải vì biết mình được bảo trợ hay không mà Ki Ki càng tỏ vẻ oai hùng, nghiêm túc, đứng đắn bao nhiêu thì trêu ngươi thay, con Đen lại càng nhí nhảnh, cà rỡn bấy nhiêu. Không có sự ngăn cách rõ ràng nên Đen vẫn chạy tung tăng ở cả địa phận của Ki Ki, mấy lần bị Ki Ki nhảy xổ ra hù chạy tóe khói mà vẫn không biết sợ là gì.

Nếu như Ki Ki ghét cay ghét đắng cái việc người ta chỉa ống kính vào mình (nhác thấy bóng dáng máy ảnh là nó quay ngoắt chạy đi) thì con Đen cứ hễ thấy đám đông nào túm tụm chụp hình là chạy lại chìa cái mặt đen thủi đen thui của mình vô làm dáng. Khắc nhau đến vậy mà chẳng rõ từ khi nào, tôi dần nhận ra Ki Ki cũng có thể chấp nhận con Đen. Vài lần con Đen tung tăng tung tẩy ngay trước mặt, Ki Ki cũng chẳng gầm gừ nữa. Nó sống hòa thuận với nhau hết một mùa Tết, rồi con Đen dọn đi tít mãi Đà Lạt. Nghe đâu là vợ chồng cô hàng xóm có chuyện bất hòa và con Đen là thứ con ghẻ quẳng cho một người quen nào đó trên Đà Lạt nuôi. Không nhớ những ngày ấy, Ki Ki có buồn?

Ki Ki sống mẫu mực và khuôn phép theo cái lề lối chúng tôi đặt ra. Thế nên ngày nào vắng bóng nó thật đúng là chuyện lạ. Vậy mà, một ngày, đột nhiên không thấy Ki Ki đâu thật. Nó biến mất ngay trước bữa cơm chiều. Gọi mãi không được, cả nhà túa đi tìm, lên tận hai đầu đường, sắp ra đến xóm lân cận mà vẫn không thấy. Mẹ chậc lưỡi Thôi, thế là nó đi thật rồi. Ông đăm chiêu "Khéo có đứa nào thuốc nó chứ nó đi đâu được mà mất!. Tôi thỉu thiu buồn xo, nỗi buồn của con nít dễ quên ngay trong giấc ngủ cuối ngày. Chẳng biết vì mệt hay cố tình đợi cửa Ki Ki mà tối ấy cả mẹ lẫn người kỹ tính như ông đều quên đóng cửa cổng. Mẹ giật mình thức dậy lúc tinh mơ nhập nhoạng. Ai đó đang gọi cửa rất điệu nghệ. Tiếng thanh nhẹ lộp cộp vừa đủ nghe, đoán chừng là âm thanh phát ra từ một bàn tay nhỏ nhắn. Chột dạ, hiếng qua khe cửa, mẹ đụng phải đôi mắt long lanh của Ki Ki, miệng toét ra cười rối rít.

Từ đấy, mọi người quen hơn một chút, việc ‘lãng tử’ của Ki Ki như thỉnh thoảng chạy lên đầu đường chơi hay loanh quanh đâu đó giờ cơm chưa kịp về. Có dạo, tivi chiếu phim Chợ tình, xem xong đã khuya lắm rồi mà vẫn chưa thấy KiKi, tìm gọi mãi khắp xóm trên hẻm dưới mới thấy nó lon ton chạy về. Mọi người luôn miệng chọc: KiKi mà cũng bày đặt đi... chợ tình. Ông xoa đầu nó, còn tôi thích nhất những lúc nó như thế, trông nó mừng rỡ rối rít với tôi cứ như mấy năm trời không gặp.

(Còn tiếp)

Tre nở hoa (truyện ngắn báo Thanh Niên)

Hoa tre - Phần cuối

___________

Ngày đi về xã biên giới của Long An, đã sững sờ khi thấy kiki này (ảnh) cứ lẽo đẽo bám mình, vì nó có nét gì đấy rất giống Ki Ki...

Hoa tre - Phần 1 (22/1/08)



Nhân nhớ về truyện Tre nở hoa mà mình rất đồng cảm

Nhân chuyện Chích (tự xưng là sinh ra và lớn lên trong nền "văn hóa ẩm thực thịt chó") viết về "Cờ tây"

Mình viết về KiKi của mình…

Có một loài cây chỉ nở hoa lúc cuối đời, nở xong là chết; nở như biết mình đã đến và sẽ ra đi trong cuộc đời; nở như những giây phút dọn mình để giã từ thế giới; nở tưng bừng như điệp khúc một giai điệu tráng ca. Đó là TRE. (Hồ Đăng Thanh Ngọc)

***

Bố ẵm nó về nhà không một lời báo trước, giữa lúc chẳng ai ngờ. Nó khỏe và táo tợn lắm. Bố bảo “dân” sinh sống ở biển đều thế…

Nó có đôi mắt thông minh nhưng cái mặt có vẻ hơi hung tợn. Có lẽ một phần do chưa quen người, quen chỗ. (Hơi khác người, vì lẽ ra người ta phải e dè khi lạ chỗ mới phải). Mẹ chỉ dám ngồi trên giường ngó nó trân trân. Ai đi qua cũng phải ngó nhìn nó bằng cái vẻ vừa thinh thích vừa hơi e dè vì cứ thấy ai có vẻ không thiện cảm với mình là nó lại la toáng lên. Năm ấy, nó tròn 2 tuổi.

Những ngày đầu về nhà, nó chỉ quý mỗi bố. Ở tuổi đấy mà nó cũng dài gần bằng chiều cao của bố chứ chẳng chơi. Cứ xem nó sải hết tay chân mỗi lần đón bố đi làm về thì biết. Sau cả tháng trời rèn luyện, nó cũng quen được với cơm cá nhà bình dân thay cho khẩu phần thịt bò phi lê mỗi ngày trên tàu. Sau 1 tháng làm quen, nó chính thức trở thành thành viên thứ 8 trong nhà với tên gọi thân mật mà mọi người đặt cho: Ki Ki.

Ki Ki là con lai, có gốc đâu tận Đức. Tóc nó mang màu vàng của đất. Mắt giả thông minh. Người bụ bẫm. Bố tôi quý nó lắm. Chẳng nhớ khi bố tôi đi nó có mít ướt không vì khi ấy nó chưa có chỗ trong ký ức của tôi nhưng từ ngày nó quấn quýt với ông, tôi cũng đâm thân nó. Tối nào ba ông cháu cũng ngồi quây quần bên nhau nghe ông kể chuyện. Ki Ki rất khoái được ông rờ đầu. Cái cảm giác đã ngứa, mê mẩn, gần gũi, thoải mái, thư giãn… không thua gì massage ngoài tiệm. Có lẽ biết nó khoái mà mấy bận tôi thấy ông rờ đầu nó đến quên mất món khoái khẩu của mình: thời sự lúc 7 giờ. Ki Ki leo cầu thang rất giỏi. Cầu thang vòng xoắn ốc mà nó phóng như bay khiến ai lần đầu thấy cũng phải kinh ngạc. Giường của nó án ngữ ngay đầu căn gác gỗ, là nơi ấm cúng nhất, yên bình nhất mà Ki Ki có thể rúc vào phòng thủ mỗi khi chạy trốn một điều gì đó làm nó sợ hãi, như pháo nổ những ngày còn chưa cấm đốt pháo chẳng hạn. Nó có nhiều khả năng đặc biệt mà mỗi lần gặp sự cố là mỗi lần chúng tôi phát hiện ra, đầy mới mẻ.

Ngoài ông và bố ra thì có lẽ Ki Ki gần gũi nhất với tôi. Cứ đi học về là tôi chạy vào ôm nó vuốt ve. Tôi thích cái nhắm mắt của nó mỗi lần thấy tôi giả vờ giơ tay lên vỗ đầu. Tôi là người chịu kỳ cọ chén bát cho nó, chỉ cần thấy nó than đói là chạy vào bếp lục tìm cho nó một bữa ngon. Tôi tập kể chuyện cho nó nghe. Rồi vui, buồn cũng tâm sự với nó lúc nào chẳng biết. Tôi không biết nó có hiểu chuyện ‘người lớn’ của tôi không nhưng thấy mắt nó long lanh, mặt gật gù ra vẻ thông cảm, chia sẻ là đủ tin cậy lắm rồi. Có lẽ nó cũng nhận ra tình cảm của tôi với nó nên lúc nào cũng quấn quýt với tôi, ưu ái tôi hơn mấy anh chị em khác. Ăn cơm, nó cũng ngồi cạnh tôi và cũng chỉ có tôi, nó mới chịu để yên cho tròng vào cổ nó một sợi dây chuyền bằng nhựa, hoặc giả nó nghĩ với sức của nó chỉ cần lắc mạnh một cái là sợi dây nhựa bung ra nên chẳng cau có với tôi làm gì. Nó là chúa ghét đeo bất cứ thứ trang sức gì vào người!

Một ngày hè, mẹ mua những cục xương to về nấu cháo. Tất nhiên, Ki Ki là đứa khoái nhất vì hiển nhiên phần xương ấy sẽ thuộc về nó vô điều kiện. Cuối bữa ăn, tôi ngồi nhìn cái vẻ mặt của nó gặm xương vừa háo hức vừa khổ sở vì những cục xương ngoại cỡ, theo cái kiểu bỏ thì thương vương thì tội. Không cầm lòng được, tôi nhảy vào cầm bát xương của nó để ra chỗ khác. Nó vẫn mải mê với cục xương đang gặm dở, tôi vô tư thò tay vào miệng nó móc ra. Đến khi Ki Ki thoát khỏi cái cảm xúc thăng hoa, nhả được cục xương ra thì cả tôi lẫn nó đều hốt hoảng vì tay tôi máu đã chảy thành dòng. Chị tôi la lên khe khẽ, lấy áo quấn tay tôi, vẻ sợ sệt: Giấu đi…Giấu đi… Đừng cho mẹ biết... nhưng hình như không kịp nữa vì mẹ đã nghe tiếng khóc nấc của tôi.

Năm ấy là năm nắng to. Hai mẹ con chạy khắp các trạm xá, giữa cái nắng hầm hập đổ lửa mới tìm được một nơi còn thuốc chích ngừa. Tôi về nhà với cái mu bàn tay băng bó trắng phóc. Mẹ la la nhưng cũng chẳng ai đả động đến Ki Ki. Vậy mà suốt tuần ấy, hôm nào tôi cũng thấy Ki Ki im lặng nằm phục dưới chân bố, ra vẻ hối lỗi. Ai đuổi cũng không đi. Nhìn mặt nó thương thương chẳng nỡ giận... Tay tôi dần lành nhưng dấu răng của Ki Ki ở cổ và mu bàn tay thì thành sẹo, chỉ mờ đi chứ không mất hẳn. Lạ một điều, vết sẹo không làm rạn nứt tình cảm của tôi với Ki Ki mà ngược lại, như một sợi dây liên kết vô hình, gắn chặt tôi và nó. Như người ta vẫn bảo
ai làm cho mình đau thì mình càng yêu người đó hơn vậy. Lẽ dĩ nhiên nó chỉ đúng trong một vài trường hợp cụ thể nào đấy.

(Còn tiếp)

Hoa tre - Phần 2

Phần cuối

Sunday, January 20, 2008

Dọn phòng (20/1/2008)

Dọn xong phòng. Bình thường vẫn ngăn nắp, gọn gàng nhưng bắt tay vào thì bụi ko ít chút nào. Ko nhớ đã bao lâu rồi bỏ bê nó. Chỉ dọn mỗi góc của mình thôi đã mất hết cả nửa ngày.

Lần nào cũng vậy, cứ mỗi lần dọn dẹp là tẩn mẩn rất lâu. Đụng vào thứ gì cũng đầy ắp kỷ niệm, chẳng nỡ bỏ. Từ những món đồ chơi rất quý hồi bé xíu. Lá thư hộc bàn của 1 cô bé lớp dưới mà mình chưa gặp mặt, dù có cùng làm chung một bài thơ “con cóc” (chẳng hiểu giờ bé ấy đang ở đâu, chợt nhớ ra nó cũng có nickname là… vịt, thư cho mình lúc nào cũng "cạp cạp" liên hồi). Đây là những bài kiểm tra lớp 12 (mà có lẽ giờ này, những vật cùng thời với nó đã bị phòng lưu trữ của trường "hóa kiếp" mấy lần) theo từng biến cố, có bài cao, bài thấp nhưng đều ko thể nào quên đc. Đây là những cuốn tập Văn thích nhất, lúc nào cũng đc thầy ưu ái phê tốt…

Cuối cùng xét lại, hóa ra mình vẫn giữ lại nhiều nhất tập vở, tài liệu ở RTC2. Đây là bài mỹ học, thay nhóm cặm cụi mấy ngày trời trong thư viện để làm. Đây là bản tin tiếng Anh của nhóm, cãi nhau xem dùng từ nào cho hay. Điều duy nhất thích trong môn AV ở đây là đọc lồng bản tin, Tivi nói tiếng Anh, nhóm phân vai thuyết minh tiếng Việt, cách mà NV ko thể có đc. Kia là kịch bản PT. Nọ là những ghi chú, bất đồng, khúc mắc bạn bè những ngày làm PT trực tiếp… Những mẩu giấy vụn chat chít trong giờ học. Những cuốn tập đc chăm chút kỹ càng, ngẫm lại thấy mình đã dồn nhiều công sức cho nó chứ ko phải lơn tơn thế này! Nhớ những ngày trong phòng thu, những buổi lê la ôn bài, những ngày như "dân tị nạn" trước phòng thi. Những tháng ngày đã qua, những tình cảm đã qua!

Tập vở của NV chỉ giữ lại những môn chuyên ngành mình thích, hay những gì ấn tượng như tạp chí Phái Mạnh tập tành làm từ hồi Năm 2, chả nhớ rõ trong môn nào nữa. Chỉ nhớ cũng đã có ko ít kỷ niệm với nó. Chẳng hiểu sao ở đâu đó lại lòi ra. Cứ mỗi lần dọn phòng, lại phát hiện ra vài thứ mình đã bỏ quên từ rất lâu, lâu lắm rồi. Lúc muốn tìm lại ko tìm ra đc, dù rằng góc của mình chỉ be bé thôi. Đọc lại, xem lại đôi khi cũng bất ngờ vì cái ngố, cái tếu và cả những cái ngờ nghệch của mình ngày trước. Nhưng vậy mới ngờ ngợ nhận ra mình có tiến triển ko hay đang thụt lùi, hay đang giậm chân tại chỗ?

Cả những báo cáo cái thời còn chạy tin, những ức chế, những háo hức, hăm hở của cái thuở ban sơ…

Có những ngày dọn phòng, để nhìn lại cả một quá trình, những được - mất, những gì đã bỏ lỡ, vụt qua. Có những ngày dọn phòng, để thấy đã qua rất nhanh, một khoảng thời gian không nhỏ trong cuộc đời và có quá nhiều thứ mình muốn làm vẫn chưa làm đc!

FATHER AND DAUGHTER - Nơi tận cùng yêu thương


Không hiểu sao lại có thể bỏ qua những thước phim này trong từng ấy thời gian, cả khi viết entry CGKCB cũng ko hề biết đến sự tồn tại của nó. Chỉ đến khi có sự "lùm xùm" xung quanh entry ấy, mới biết đến Father and daughter.

Bộ phim hoạt hình ngắn, chỉ hơn 8 phút thôi mà chuyển tải sâu sắc cả cuộc đời của một cô gái, một người con gái mong mỏi, khắc khoải đợi cha trở về. Chia tay cha ở bến sông, khi chỉ còn là một cô bé con lẫm chẫm, níu cha, được cha ôm vào lòng lần cuối để rồi mãi mãi xa. Cái bóng nhỏ xíu cố loi choi trên bờ, ngóng theo bóng cha dần khuất hẳn trên mênh mông sóng nước. Để rồi hết ngày, hết tháng lại năm, lúc nào cô bé cũng ra bến sông ngóng cha trở về. Dẫu là giông gió mịt mù, dẫu là ngày đông giá rét, dẫu là mưa rơi ảm đạm... Con dốc ngày nào phải nhọc nhằn lắm mới vượt qua khỏi, giờ cô gái đã có thể đạp xe lên dễ dàng nhưng bóng cha vẫn cứ mù tăm. Ba lần vượt dốc là ba giai đoạn của tuổi trẻ, cô gái đi qua không hề có cha bên cạnh. Nhưng chưa lúc nào cô gái hết hi vọng vào việc cha trở về.

Rồi cô gái có người yêu, có chồng, có con, không còn đơn độc một mình ra ngóng cha nhưng nhìn con chơi đùa với chồng mình, trong cô vẫn trỗi dậy khao khát tình yêu thương của một người cha, bần thần nhìn ra quãng sông xa vắng. Sóng nước hay sóng lòng thương nhớ? Vòng quay của những bánh xe đạp hay vòng quay của thời gian, của cuộc đời chuyển động không ngừng? Cô gái, giờ đã là một bà cụ, ba lần dựng chiếc xe đạp là ba lần chiếc xe đạp ngã – vẫn không nguôi thương nhớ, mong mỏi về cha, ngay cả khi những người thân khác đã ngừng hi vọng. Vòng quay thời gian, quãng sông ngày nào giờ đã cạn khô nước. Cô gái đi vào lòng sông, băng qua những bãi lau lách rậm rạp để tìm đến con thuyền của cha ngày xưa, nằm lại chính nơi cha đã nằm. Trong khoảnh khắc, cô thấy mình trẻ lại theo từng bước chân chạy, chạy đến gặp cha ở cuối cuộc hành trình... Nơi tận cùng của yêu thương, nhung nhớ...

Xem phim lần thứ... n. Không trong ngày đông giá rét, không trong ngày mưa ảm đạm mà vẫn thấy lòng lạnh và ảm đạm hơn bao giờ hết. Không lời, không thoại, chỉ có âm thanh của tiếng sóng, tiếng vòng xe, tiếng thời gian và tiếng lòng thổn thức. Những bổng trầm réo rắt của Sóng Danube cứ như cứa vào từng tế bào mỏng mảnh nhất của nỗi nhớ thương, day dứt! Xem phim, vẫn tự hỏi mình, tại sao khoảnh khắc cô gái gặp cha lại không phải là hình ảnh của cô bé lẫm chẫm ngày chia tay cha, không phải là hình ảnh của cô bé ngày hụt hơi đạp xe lên dốc, cũng không phải là hình ảnh của một phụ nữ tuổi xế chiều? Hỏi, rồi tự trả lời, đó có lẽ là vì cô gái muốn cho cha thấy mình đã trưởng thành như thế nào, muốn cho cha thấy hình ảnh của mình ở lứa tuổi đẹp nhất đời người...

"Bố hẹn về lần thứ bao nhiêu?

Đường xa quá, trời mưa, trời nắng quá" (Chu Thu Hằng)


Thông tin thêm về bộ phim

Cám ơn vì đã nhắc cho biết về bộ phim! :D

Thursday, January 17, 2008

Nơi bố ở mỗi năm một lần ghé (17/1/ 2008)

Lên thăm bố một ngày dịu dàng. Trời còn xanh, gió lộng và nắng nhạt như bất cứ một ngày tháng chạp nào. Ấy vậy mà đường lên thăm bố bao giờ cũng quanh co. Mỗi lần lên là mỗi lần không lần ra đc.

Nhớ ngày be bé, đã ấp ủ ý định muốn lên thăm bố những khi nào mình muốn. Cái ngày be bé ngây thơ đến độ đem giấy viết theo để vẽ từng khúc quanh, ngã quặt suốt chặng đường đi, để rồi chỉ mới đến Quận 4 thôi, "bản đồ tay" ấy đã loạn lên rồi...

Lớn lên, cái gì cũng đơn giản hơn. Những ngày đi học xa sẩm tối mới về nhà, mệt nhọc nhưng luôn mang trong mình một niềm an ủi, gần bố hơn một chút. "Nơi bố ở mỗi năm một lần ghé. Lúc bé đi say xe cứ ói hoài. Lớn một chút gần người hơn một chút. Vẫn nhọc nhằn đến gặp ba chiều nay".

Nhớ lần đầu tiên tự mày mò lên thăm bố. Không biết gì ngoài cái ký ức lờ mờ trong lần lên thăm trước đó vài năm. Quanh quẩn mãi với những khu, lô tầng tầng lớp lớp giữa cái nắng gai người. Ai cũng bảo không biết khu thì đừng mong kiếm ra. Hoa mắt, chóng mặt cũng đã định về rồi, nhưng tâm niệm với lòng, nếu bố muốn gặp thì con sẽ tìm thấy đường vào. Đôi khi là một sự tình cờ, đôi khi là một chút tâm linh không lý giải nổi. Nơi bố ở hiện ra sờ sờ trước mắt, cái khu nãy giờ mình chưa quần đảo khi nào...

Lần thứ hai lên bố, cũng là một ngày mới thi xong, mượn xe bạn đạp qua những con dốc cao ngút ngát, chỉ nắng, gió và bụi. Cũng một ngày chật vật lắm mới đến đc chỗ bố.

Lần thứ ba, muốn rủ một ai đấy đi cùng. Chỉ ngẫu hứng muốn vậy thôi nhưng vài đứa bạn đã không thể không ngần ngại khi biết chỉ có hai đứa đi. Có lẽ chỉ những tình cảm thiêng liêng, thân thiết nào đó mới khiến con thấy bình thường cái điều mà những người khác cho là "gan": một mình ở giữa khu vắng vẻ thênh thang, đông người mà cũng là chẳng có ai.

Lần thứ...

Cứ mỗi lần lên bố là một lần đổi khác. Cứ tưởng thạo đường đến độ nhắm mắt cũng có thể vào đến nơi, vậy mà vẫn cứ lạc như thường. Góc cây điệp ở đầu đường làm dấu đã không còn chính xác vì cuối đường, nhà hàng xóm đã bứng mất bụi chuối năm nào cũng trĩu quả. Một góc hàng xóm khác, bụi hoa nhài tốt tươi, thoảng hương dịu mát. Riêng ấn tượng nơi bố ở thì không khi nào đổi khác: lắm sâu và cái nắng nóng kinh người. Những hàng điệp đi qua lúc nào cũng phải dáo dác ngó vì có những chỗ, sâu cứ đu dây quay mòng mòng trước mặt, chẳng biết được khi nào rơi vào người. Ngồi xuống ghế đá cũng phải trợn tròn mắt lên vì mấy con sâu đang cong mình lên, đo... đo... Và nắng. Chưa từng thấy nơi nào có cái nắng gắt như chỗ bố. Khu TP chỉ dìu dịu, nhàn nhạt vậy mà vào đây đã tứa mồ hôi ào ào. Túi xách để nắng một chút thôi, đụng vào đầu khóa đã nảy mình lên vì bỏng rát. Đến nước cũng nóng như nước sôi...

Cứ mỗi lần lên thăm bố là một lần lòng nhẹ hẫng. Chẳng rù rì như mẹ, chẳng kể lể như người ta. Lụi cụi dạo qua một vòng. Thăm lại vài nhà hàng xóm của bố, xem ai ở lại, ai chuyển đi, ai mới đến. Chỉ vậy thôi, rồi về. Thấp thoáng đằng sau, bụi mai nhà ai đang trổ nụ chi chít, chừng mươi hôm nữa là bung hoa. Khu ngoài cũng đang quét dọn cho những ngày giáp Tết, khi những con đường chính nơi đây trải thảm đỏ. Sài Gòn lại ầm ù chuyển mưa, những cơn mưa trái tính nết như hôm qua. Trên chuyến xe về chạy nhanh lắm, vẫn tự hỏi trên chỗ bố bây giờ có mưa không, hôm qua có mưa không. Hi vọng đất sẽ bớt khô khốc hơn, cái nắng sẽ dịu hơn và hoa sẽ tươi lâu hơn một chút. Năm sau biết có còn lên thăm bố dịp này??

Wednesday, January 16, 2008

Lạ... (16/1/2008)

Trời lạ thật. Cứ như đang mùa hè. Bỗng nhiên lại rớt cơn mưa. Mưa to, dai dẳng.

Hôm qua cứ tưởng mình không dậy nổi. 5 tiếng buổi tối, gần 8 tiếng buổi khuya. Có lẽ là để bù cho hôm trước đó.

Đang hoàn tất VHPT. Sắp thi xong rồi. Chỉ còn tí tẹo nữa thôi.

Hôm qua lấy phiếu điểm cho nhóc Còi, nhìn lại phiếu điểm của mình với hơn chục môn đã trải qua mà... ái ngạiimg.

Toàn nhắn bảo "Nhớ mấy bạn kinh khủng", chẳng rõ cụ thể là nhớ ai. Mình thì chỉ nhớ CC thôi!

***


Dạo này xã hội nhiều chuyện nhức đầu quá. Mẹ giết con, con giết cha, bạo hành, sập đổ, chết chóc...img. Nghe mà buồn. Không hiểu đc những người đó nghĩ gì mà lại làm vậy?? Hi vọng mọi thứ chỉ tiếp diễn hết năm nay.

***

ĐỢI

Đợi chờ mãi cuối cùng anh chẳng đến

Gió lắt lay trưa xao xác ruộm vàng

Đợi đằng đẵng để rồi anh chẳng đến

Chẳng đặng đừng em phải bước sang ngang

Đợi chờ mãi cuối cùng anh cũng thế

Bến bình yên giục thuyền phải rời bờ

Đợi chờ mãi, em trên thuyền dang dở

Lỡ anh rồi mà chẳng trọn bến mơ.

(Bài ngẫu hứng này tặng cho “anh 38” sau 2 lần làm mình xất bất xang bang. Từ giờ em cạch “anh” này ra).

Tuesday, January 15, 2008

Entry for January 15, 2008

Xong Báo trực tuyến và chuẩn bị đi thi.
Ngủ đc 2 tiếng. Gặp 1 cơn ác mộng.
Nghe tiếng mở máy cũng giật mình.
Hix hiximg

Thursday, January 10, 2008

Mỗi lần thi xong là một lần ngơ ngác trong cuộc đời... (10/1/2008)



Lan man một chút. Tự nhiên mỗi một ngày thi xong lại có cảm giác sao sao đó, buồn vui chẳng rõ. Thật ko hiểu nổi.
Đề thi bảo viết về một gương người tốt việc tốt trong xã hội. Điểm lại cả một quá trình, chưa phải dài nhưng ko đến nỗi ngắn, vậy mà trong đầu chẳng mảy may ấn tượng với ai. Lẽ nào mình chưa bao giờ tiếp xúc với một nhân vật nào đủ tốt để nhớ?? img
Lúc nào cũng ko kịp thời gian vì... viết chậm. Từ đó đến giờ vẫn vậy. Mãi đến khi ngồi ngắm... phố phường, mới sực nhớ ra cái tựa đề mình vẫn chưa kịp đặt vì muốn để dành phút chót.img
Mỗi lần thi xong là một lần ngơ ngơ ngác ngác. Hình như ko phải chỉ mình mình mới vậy. Hay tại áp lực của năm cuối?? Thỉnh thoảng cứ nghe nói về công việc của đứa này, tương lai của đứa kia. Và những dự định... Và những luận văn TN đang bắt đầu. Nao nao, bồn chồn, lo lắng.
Nhưng ko yêu trường lớp đến mức muốn ở lại, vì dù sao thì học phí đang nhấp nhổm tăngimg.

___
Tình hình là Bá đang có ý định đi... làm báo, sau khi đọc đc cái tin trên img(ảnh). Còn mình thì miễn bình luậnimg.
Tình hình là mẹ vẫn luôn chăm chút, vui đùa với con cá. Nó đã to bằng 3 ngón tay rồi và mẹ đang định tổ chức... đầy tháng cho nóimg.
Tình hình là dạo này gần Tết, tình hình cũng hơi lộn xộn. Cụ thể là "anh ý" có đảo qua nhà mình 1 lần gần đây, lúc 2h sáng, khi mọi người đang ngủ say. Sau khi ngó vô bếp nhà mình và ko đc hoan nghênh, "anh ý" đã chuyển mục tiêu sang nhà cô bên cạnh, không may lại để cô ấy phát hiện. Nhưng có hề gì, chỉ cần lấy 1 cây sắt cài cửa ngoài là "anh ý" có thể thong dong ôm cái... mũ bảo hiểm của chồng cô ấy ra ngoàiimg, mặc vợ chồng cô ấy ở trong nhà kêu la. Sau khi đc mẹ sang mở cửa cho, cô ấy còn bảo "Kêu từ từ mở cửa cho ra, leo tường chi lỡ té thì mệt mà ko chịu nghe"imgimg. Mọi người gọi "anh ý" là TRỘM ạ! Có vẻ như "anh ý" đã ra vào nhà mình nhiều lần rồi nên rất là tự nhiên, thạo đường. Tóm lại là nên cảnh giác cao độ vào thời gian này...

Sunday, January 6, 2008

Ngày mai trong đám xuân xanh ấy…

Ngồi sau ôm nhỏ trong một tối gió lạnh run lập cập. Trời SG mùa này có những đợt lạnh đến… rưng rức, nhất là khu gần sông nước chỗ mình. Bâng quơ hỏi nhỏ “Khi nào mày cưới?”. Chỉ bâng quơ thôi, vậy mà nghe nó bảo “Tuần sau!”, lại giật mình.

- Tuần sau mày cưới hả?
- Ừ
- Ờ, nhanh quá ha.
–Tuần sau mày cưới hả?
– Chứ sao…
- Sao nhanh quá vậy!
–Tuần sau mày cưới hả?
– Ừa…
- Trời ơi, tuần sau mày cưới hả? ...

Tuần sau mày cưới hả?”. Không biết mình đã vặn mãi nó cái câu này bao nhiêu lần, cứ như là giọng điệu của một kẻ muốn… phá đám cưới nó không bằng. Vẫn biết là cuối năm con nhỏ cưới vậy mà khi điều đó đến lại hẫng ra như chưa có sự chuẩn bị, thích ứng kịp. Cứ tưởng cuối năm là một cái hạn định gì đó mơ hồ, xa xa lắm…

Ừ, thì tuần sau con nhỏ cưới. Nhớ những ngày cách đây hơn 10 năm vẫn ngồi dưới gốc sung nhà nó mơ màng “Trong đám tụi mình đứa nào có người yêu trước ta” rồi đổ cho nhau chí chóe. Và giờ cũng dưới gốc sung này, con nhỏ sắp bước sang một giai đoạn mới của cuộc đời.

Biết là trong lòng nó nhiều xáo trộn. Biết ngay cả nó cũng còn thấy nhanh. Biết là dù có lập gia đình thì tình bạn mấy chục năm trời vẫn ko có gì thay đổi… Nhưng mà cứ thấy sao sao đó. Có lẽ lứa tuổi mình đã lớn, lớn thật rồi! Chia tay nó trong cái nao nao, ngùi ngùi. SG vẫn lạnh đến rưng rức…


Ngày mai trong đám xuân xanh ấy. Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi… (HMT)

Tuesday, January 1, 2008

Survey

Đang làm survey online để phụ với phiếu khảo sát giấy.

Rất mong các bạn/chị/ anh phụ một tay nếu có lòng tốt + chút thời gian rảnh rỗi. Thanks nhiều nhiều img. Chúc mọi người một năm mới HẠNH phúcimg.

Đối tượng: độ tuổi 18-25, 25-30 và trên 30 đều đượcimg. Độc giả hoặc bạn của độc giả img thường xuyên của các loại tạp chí giải trí-tiêu dùng (đặc biệt là Tiếp thị & gia đình, Thế giới phụ nữ, Cẩm nang mua sắm, Mỹ phẩm...)

http://www.surveymonkey.com/s.aspx?sm=lUuX2JtKpz72QY5eKeAisQ_3d_3d

Hạnh phúc

* Hạnh phúc = Trao đổi + chia sẻ + kết nối yêu thương = My name. Nếu hạnh phúc đơn giản chỉ là những nụ cười, tôi muốn níu mãi những nụ cười bất tận, cùng bạn bè, gia đình và những người tôi yêu thương!
* Cuộc đời chỉ có một, mong muốn tình yêu cũng có 1 nhưng lại có duyên với... số 2 ^^.