Blast

Có một cầu vồng vô tình bắc ngang qua. Hai ta muốn qua nhưng vô tình lần lữa. Lỡ một lần rồi thêm một lần nữa...


Tuesday, November 20, 2007

Ông thầy và "cô hạt tiêu" (20/11/2007)

Lu bu. Lu bu...
Nhắn cho cô cái tin chúc mừng. Cô nhắn lại "Thanks! Cô thích lời chúc này lắm!" Vui vui.
Th nhắn hỏi số đt thầy nhưng...
Nghĩ cũng ngộ, ai cũng ấn tượng về thầy mà ngay số đt cũng ko biết!
Post lại bài viết ngày xưa của mình về thầy. Đọc lại thấy cũng ngô nghê, nhưng kêu viết lại ngô nghê đc vậy chắc cũng ko thể! Viết từ hồi 2003 mà gửi muộn dịp thành ra 2004 mới thấy xuất hiện. Cũng là một giai thoại...
Bài cho "cô hạt tiêu" sẽ post sau vậy!

ÔNG THẦY

Ngoài trời mưa vẫn rơi. Phòng học được lót gạch bông nhưng vẫn thấp hơn sân trường nên nước ở ngoài cứ chảy vào phòng lênh láng. Tụi học sinh chúng tôi để chân lên chân ghế, chân bàn cho khỏi ướt, một vài đứa lấy giấy xếp thuyền thả trôi từ đầu lớp đến cuối lớp. Lớp học hơi ồn và có vẻ nhốn nháo.

- Tập đi cho quen. Ở dưới miền Tây, nước ngập lên tới nóc nhà mà người ta vẫn đậu Đại học như thường, ở đây nước vào có một chút đã nhốn nháo cả lên.

Câu nói ấy cũng chẳng có gì đáng cười nhưng được phát ra với cái giọng “át cả tiếng mưa”, từ cái vóc dáng ấy và với cái nét mặt cười cười có vẻ bí hiểm của “ông ấy” lại làm cho cả lớp phải bật cười sảng khoái. Tiết Toán hôm ấy bỗng dưng trở nên thú vị, không còn khô khan và buồn ngủ như những năm trước nữa. Đó là ấn tượng đầu tiên của lớp chúng tôi về “ông ấy”. Chúng tôi còn được biết “ông ấy” sẽ “theo” lớp chúng tôi trong suốt ba năm Trung học này.

Lớp tôi đang xôn xao chuyện đi học thêm môn Toán. Lớp trưởng bảo “Ai không biết nhà thầy thì cứ hỏi Triết”. Tôi thắc mắc khều nhỏ bạn kế bên: “Ủa, mới đầu năm học mà sao Triết lại biết nhà thầy?”.

- Nhà của nó mà nó không biết sao được. Triết là con của thầy – lại thêm một điều thú vị nữa xoay quanh “ông ấy”.

Chẳng biết tại sao mới đầu năm “ông ấy” lại biết tên tôi mà kêu lên bảng làm bài. Lúc đầu, tôi chỉ nghĩ là “ông ấy” nhìn vào danh sách hoặc bảng tên mà kêu đại. Chỉ nghe loáng thoáng bạn bè kháo nhau bảo vợ thầy cũng tên Hạnh như tôi. Lúc học vi tính, tình cờ Triết ngồi gần tôi. Tôi và nhỏ bạn kế bên (mà chủ yếu là nhỏ bạn kế bên thì đúng hơn) nói chuyện với Triết mới biết được cô và tôi không chỉ giống nhau ở cái tên mà ngay cả họ cũng không khác nhau một chữ gì – một sự trùng hợp kỳ lạ. Hèn gì thầy cứ hay để ý kêu tôi lên bảng làm bài. Nhưng thú thật tôi cũng chẳng thích gì chuyện đó vì tôi vốn đã không thích và không được giỏi lắm (nếu không muốn nói là dở) cái môn khô khan của thầy.

Trong lớp, Triết chẳng gọi thầy là “thầy” mà cũng chẳng gọi thầy là “ba” mỗi khi đứng lên phát biểu, chỉ nói trỏng như “Bài đó sao lại ra kết quả này?”, “bài này bị sai ở chỗ kia”, hay “làm cách này cũng được vậy!”… Đã vậy thầy lại còn hay chêm vào “Ngộ ghê ta, ở nhà quá trời thời gian thì không hỏi, cứ để vô lớp mới hỏi là sao ha”, làm cả lớp nhiều phen cười nghiêng ngả. Có khi thấy Triết vẽ hình bằng tay, thầy lại chọc “Nếu bận học quá không có thời gian ra cửa hàng mua thước thì mở tủ lấy cây vàng làm thước cũng được vậy” làm cả lớp không thể nín cười. Lúc dạy bảng lượng giác, thầy vẫn dặn chúng tôi thuộc lòng những cung thường gặp và không quên dặn thêm “Mai mốt, trước khi chết con cháu có hỏi sin của ba mươi độ là bao nhiêu thì cũng phải trả lời xong mới được nhắm mắt nghe chưa”…

Năm thứ hai của cấp ba… Thầy đã quen tên và mặt của từng thành viên trong lớp. Lũ bạn tôi đã biết chọc giỡn với thầy như “người nhà” còn tôi vẫn vậy – không dám giỡn với thầy vì nể sợ và vì cả nhút nhát nữa, nhưng vẫn thường kể chuyện về thầy cho chị tôi nghe. Một cách ngẫu nhiên, năm nay chị tôi lại là lớp trưởng lớp thầy làm chủ nhiệm. Tôi và chị tôi vẫn đi – về cùng nhau nên chuyện thầy biết chúng tôi có liên quan là điều hiển nhiên.

- Em với Hà là chị em ruột hả?

Tôi chỉ biết gật đầu trong khi lẽ ra đã có thể nói nhiều hơn với thầy. Hôm 20-11, lớp chị tôi đến nhà thầy chúc mừng và tôi được biết thầy cũng có nhắc đến tôi trong câu chuyện của chị tôi “Ở nhà, Hạnh có hay kể với em chuyện gì không? Sao mỗi lần kêu nó lên bảng, mặt nó xanh lè à”. Nghe xong tôi cũng “hơi tức” nhưng lại không sao giận được “ông ấy”. Tiết Toán hôm sau, thầy kêu tôi lên bảng làm bài đúng như tôi đã nghĩ…

Triết học khá môn Toán của thầy nhưng lại không được suôn sẻ với môn Văn. Sai lầm của Triết là đã xem tài liệu trong một lần kiểm tra Văn. Biết chuyện, thầy đã không nể nang và dạy Triết trước lớp – đó cũng là những lời nhắc nhở đối với chúng tôi “Người gian thì ở đâu cũng gian”.

Cứ tưởng ba năm là một khoảng thời gian rất lâu, vậy mà quay đi quay lại cũng đến năm cuối cấp. Thầy truyền cho lớp chúng tôi rất nhiều “kinh nghiệm xương máu” để học thi vì “thầy coi các em cũng như con của thầy vậy”. Lớp chúng tôi đã thuộc nằm lòng những câu nói “giỡn như thật” của thầy, đại loại như “học trò thời nay gan thật, chưa làm bài mà cũng dám đến trường, tôi hồi đó chưa làm bài tập thì chỉ biết chui bụi chuối mà trốn thôi”, rồi “mỗi ngày đi học là một ngày hội, mỗi bài tập là một niềm vui”, “học trò dưới miền Tây, mùa lũ toàn leo nóc nhà ngồi canh lương thực cứu tế vậy mà vẫn đậu Đại học như thường”, vân vân và vân vân. Những tiết học của thầy không bao giờ nhàm chán vì chúng tôi vừa được cười no bụng lại vừa hồi hộp với những bài kiểm tra đột xuất. Lúc giỡn thì vui vậy nhưng khi kiểm tra thì chẳng đứa nào nhúc nhích được với thầy. Những lúc thầy bực vì chúng tôi không làm được bài, thầy cũng không kém phần nghiêm khắc. Thầy mà quát, ai đứng trên bảng cũng phải rớt phấn vì giật mình. Chỉ có điều cơn bực của thầy lại nguôi rất nhanh…

Sinh nhật thầy, lớp chúng tôi đã tổ chức mừng và chơi trò chơi rất vui. Thầy lúc ấy như một người bạn đùa giỡn, hòa đồng với chúng tôi. Không chỉ lớp tôi mà hầu như lớp nào thầy dạy qua cũng đều quý mến thầy. Lớp tôi và lớp thầy chủ nhiệm vẫn hay giành nhau xem lớp nào mới là “con ruột” của thầy.

Ngày thi đang đến gần thì ngay chia tay cũng sắp sửa kề. Cả thầy lẫn trò đều bù đầu với bài vở. Lũ bạn vẫn than “Gặp thầy còn nhiều hơn gặp ba mẹ mình”. Thầy vẫn thường giúp chúng tôi thư giãn bằng những câu chuyện vui, vẫn nghiêm khắc khi chúng tôi giải bài sai. Bận rộn vậy nhưng lưu bút vẫn chuyền tay nhau, đứa nào cũng có nhắc đến thầy trong đó, cũng có nhiều cuốn lưu bút có chữ ký của thầy ở trang đầu. Ngày chia tay với lới chúc thi tốt của thầy và vẫn giọng cười đùa bí hiểm: “Phượng năm nay nở nhiều chắc trường mình sẽ đậu cao”…

Điều mà tôi thích nhất ở thầy đó là mọi học trò đều bình đẳng như nhau dù học thêm hay không học thêm vẫn hiểu được bài thầy giảng, thầy vẫn quan tâm chỉ bảo như nhau. Khuyết điểm lớn nhất ở thầy đó là việc hút thuốc. Mặc dù chúng tôi vẫn hiểu những người ở tuổi như thầy thì bỏ thuốc chẳng dễ dàng tí nào. Có lần, thầy hiệu phó nhắc nhở việc các học sinh, nhất là học sinh nam không được hút thuốc, tụi nó bắt bẻ chuyện các thầy hút thuốc thì thầy hiệu phó bảo “thấy thầy nào hút thuốc cứ báo”. Lớp nó nhao lên muốn nói tới thầy. Vào lớp, thầy vẫn “giỡn như thật”: “Hồi nãy tôi thấy lớp này la nhiều nhất nè, tình nghĩa thầy trò mấy năm trời mà vậy đó, chưa ra trường đã thế rồi”.

Chuyện về thầy là một bản trường ca tưởng chừng như không có kết thúc bao giờ. Tôi và chị tôi những lúc trò chuyện cũng như bạn bè tôi mỗi khi gặp nhau vẫn thường hay nhắc về thầy, vẫn thường dùng những câu nói quen thuộc của thầy để chọc giỡn nhau…

Tôi kể lại những chuyện này như hồi ức về thời áo trắng của mình và cũng là những điều mà trước giờ tôi chưa dám nói với thầy – người vẫn luôn xuất hiện trong cuộc sống thường ngày của tôi.

(10.2003, Đăng trên Áo Trắng số 91, 15-11-2004)

P/S:
Lớp 12, có lần thầy đang giảng bài thì thầy dừng lại nói: "Nghị ! Em đừng làm thầy sợ". Cả lớp quay mặt hướng về tên đó, nó như kịp hòan hồn rồi thầy bảo "Tôi đang giảng bài mà thấy nó nhìn xa xăm rồi cười nữa chứ"
Vui nhất là hồi lớp 12 lớp mình tổ chức Sinh nhật cho thầy dù thầy ko fải là CN, hôm đó là giờ học tăng tiết buổi chiều, cả lớp bày trò này vừa mừng SN thầy vừa trốn tiết học. Cũng may cái fòng ấy xa "mặt trời", cửa kính đóng kín nên cả lớp có dịp quậy tưng bừng, lấy bánh kem trét vào mặt thầy nữa, cuối giờ thì fòng học như bãi chiến trường, nhưng vui.
Còn chuyện này nghe kể lại nhưng ko biết có đúng ko, hồi đó chiến thuật "cưa cô" (tức mẹ của thằng Tr), thầy thấy cô chạy xe đạp đằng xa, nên giăng dây giữa đường, đợi cô đến gần rồi giật dây cho té chơi, xong rùi làm anh hùng nghĩa hiệp ra giúp đỡ (thầy láu cá thật nhưng dễ thương đấy chứ).

Copy từ blog bà Khỉ già

3 comments:

  1. ê mắm, tên tui là mandy đàng hòang, chứ ko fải là khỉ già nghen, đập chết bi giờ!

    ReplyDelete
  2. @mandy: Khỉ già thì vẫn cứ là khỉ già thôi, hehe. Lần sau qua nhà thầy nhớ rủ tui nghen. Nghe thằng Tr nói, thầy dạo này ốm hơn nhiều. Còn nhắc t ko thấy ghé nữa, ko biết nó giỡn hay thật nhưng mà áy náy ghê...

    ReplyDelete

Hạnh phúc

* Hạnh phúc = Trao đổi + chia sẻ + kết nối yêu thương = My name. Nếu hạnh phúc đơn giản chỉ là những nụ cười, tôi muốn níu mãi những nụ cười bất tận, cùng bạn bè, gia đình và những người tôi yêu thương!
* Cuộc đời chỉ có một, mong muốn tình yêu cũng có 1 nhưng lại có duyên với... số 2 ^^.