Blast

Có một cầu vồng vô tình bắc ngang qua. Hai ta muốn qua nhưng vô tình lần lữa. Lỡ một lần rồi thêm một lần nữa...


Monday, August 13, 2007

Phóng viên ko thẻ (13/8/ 2007)

Bài này đọc lâu rồi, từ AT số trước. Có chút đồng cảm, cùng tâm trạng trong bài mà lại. 50% nhân vật là người lớp mình, riêng Hương Quê thì... mới nghe qua, dù gắn mác BCK04. Còn chi tiết "nhà báo đi xe đạp cho lãng mạn", mình nhớ Hoàn bảo mượn đc xe máy trong đợt thực tập rồi mà (dám chừng là hỏi chuyện trước đó cũng nên). Riêng tác giả thì... quánh chết cũng chẳng biết là ai. Minh chứng hùng hồn cho "ko báo cũng ko thẻ", có điều đâu có gì gọi là độc chiêu, nhà báo thành danh ko từ báo chí chính quy ra ầm ầm xưa giờ!

Dạo này lật AT ra, thấy BC4 (K03) phủ sóng dày đặc...

AT - “Không thẻ phóng viên mà làm được việc, mới hay. Có thẻ phóng viên mà làm được việc, thế gian này đầy”. Hai câu “thơ chế” này xem chừng được các nhà báo tương lai thích thú lắm.

Trong “qui luật phát triển” từ một cây bút… giảng đường trở thành phóng viên chuyên nghiệp, hầu hết các nhà báo đều phải trải qua giai đoạn làm “phóng viên không thẻ”.

Những chuyện buồn vui thời mang bầu nhiệt huyết tuổi trẻ, hăng hái viết báo ấy trở thành những ký ức quí giá của họ. Cái ký ức mà, dù khóc hay cười đều ra nước mắt.

Có “báo chí” mà không có thẻ

Những cây bút trẻ là “dân báo chí” muốn dấn thân vào nghề báo, trong tình hình đào tạo nghề nặng về lý thuyết phải có một sự đánh đổi nhất định giữa việc học và việc lăn vào thực tế. Những SV nữ khoa báo chí K04 (ĐH KHXN&NV TP.HCM) thấy tên mấy đàn anh (K03, K02...) trên các mặt báo, hâm mộ, muốn tìm gặp được thì thường nghe bạn, và các đàn chị bảo rằng: “Tìm anh í khó lắm, đi viết bài rồi, làm “phóng viên không thẻ” rồi, không có trong lớp đâu”. Vài lần như thế, mấy em đành... nản.

Được người khác biết đến, thậm chí hâm mộ, nhưng việc kiếm thông tin, viết bài là không dễ với dân báo chí làm “phóng viên không thẻ”. M.Tâm (báo chí K03) cộng tác thường xuyên cho tờ GD bảo rằng, lâu lâu mới được sếp giao cho nhiệm vụ đi chụp ảnh một ngân hàng để minh họa cho báo, mừng muốn chết, thế mà khi đến, người ta hỏi: “Thẻ nhà báo (hoặc giấy giới thiệu) em đâu?”, không có, đành ngậm ngùi quay về xin giấy, cũng có khi về nhà trọ luôn!”.

Chuyện đi lấy tin, đối với dân báo không thẻ nhọc nhằn lắm. Trong một hội thi ở Trường ĐHKT, mấy SV báo chí tập tành quay phim, chụp ảnh đưa tin thì nhận được sự cảnh báo (đuổi khéo) của một người bảo vệ: “Chúng tôi chỉ ưu tiên cho khách mời, các anh thông cảm”. Những phong trào lớn của SV, chuyện đưa tin thật sự khắc nghiệt. Khắc nghiệt vì sự cạnh tranh giữa những SV báo chí với nhau.

Trong một lần, Trường ĐH Sư phạm tổ chức hội thi, tôi chứng kiến ba anh chàng SV báo chí cùng đưa tin cho cùng một tờ báo. Sáng, báo ra, chẳng anh nào được đăng tin. Lý do cũng đơn giản, báo đất chật, lại còn cạnh tranh thông tin với phóng viên.

Trong cuộc “chiến không cân sức” giữa SV báo chí (tạm gọi là phóng viên không thẻ) và phóng viên biên chế (phóng viên có thẻ), phần được trong cuộc “sáp lá cà” này, đương nhiên sẽ nghiêng về phóng viên có thẻ. M.Tâm tâm sự: “Có lần tới lấy tin, thấy ông phóng viên báo mà mình cộng tác đứng lù lù lấy tin nên mình... tự động rút lui, tẩu vi thượng sách”.

Khắc phục được “mặt hạn chế” không có giấy giới thiệu, nhiều SV báo chí chọn con đường viết về mảng đời sống thường nhật, hoặc bất cứ vấn đề gì xung quanh, gần gũi với mình. Lớp báo chí K03, K04 có những bạn thường viết về đề tài gia đình mình, về nỗi nhớ, nói chung là tản mạn nhiều hơn tin tức thời sự...

Thế nhưng không phải ai chọn đề tài “không cẩn thẻ làm cũng được” như thế cũng thành công. M.Tâm bảo rằng, tớ viết, bài lên khuôn hôm nay rồi, ngày mai và những ngày sau đó không thấy in, hỏi thì sếp bảo, đề tài không đủ “nóng” nên bị những “cái nóng hơn”... lấn rồi. Cô đành ngậm ngùi nhìn bài báo tâm sức theo “gió cuốn đi”.

Khác với các anh chị báo chí K03 sắp tốt nghiệp, lớp đàn em K04 đang mùa thực tập. Nỗi khổ “không thẻ” của cô bé Hương Quê là bị cô hàng trái cây mắng cho một trận: “Người ta làm mệt, bán hàng ế, em lại đưa cái xác khô, không có thẻ trình như đòi hỏi của họ, nên bị mắng”. Rồi chuyện có lần trưa học về, đạp xe đạp đi viết tin, hai giờ chiều, mới chụp được vài tấm ảnh, sự kiện chưa kết thúc cũng đành chạy về, học tiếp. Học xong, chạy lại xem kết quả sự kiện tin... hồi hai giờ. Thế mà đâu có được, xong sự kiện, người ta về hết trơn hết trọi, chỉ có cô đứng... bơ vơ một mình. Cô bé nói: “Em loạn mất thôi”.

P.Anh khi đi thực tập, người phụ trách ở tòa báo thực tập bảo ngồi đọc báo một tuần. Tuần sau, P.Anh hỏi: “Em được đi viết chưa?”. Người phụ trách trả lời: “Đọc báo thêm tuần nữa đi em”. P.Anh hơi choáng! Đi làm báo mà giống phim kiếm hiệp, mấy anh chàng đệ tử nóng lòng học chưởng sớm, sư phụ cũng chỉ cho học... xách nước, đến lúc nào “ngộ” ra chân lý thì thôi.

Thanh, Hoàn (báo chí K04) cùng nhóm bạn của mình đi thực tập mà cũng “lãng mạn” chán. Mỗi người dong một chiếc xe đạp bon bon giữa đường phố. Tôi trêu: “Thời đại công nghệ thông tin, nhà báo hiện đại mà đi xe đạp à?”. Mấy cô nàng cười ngất, lý sự: “Thứ nhất, không có xe. Thứ hai, sợ đi xe máy nhanh quá, vụt qua... đề tài, bỏ lỡ uổng lắm. Thứ ba (quan trọng), đi xe máy mà ham nhìn đề tài nhẹ thì bị người ta chửi, nặng thì xe tung (tông)”. Nghe những cô phóng viên không thẻ ríu rít trên xe đạp, không ai nhịn được cười.

Không “báo chí” cũng... không thẻ nốt

Chuyện SV báo chí đi viết báo cũng hơi... lỗi thời, SV không học nghề báo, đi viết báo mới “độc chiêu”. Anh chàng Tú, (ngữ văn - ĐH Sư phạm) thấy người khác viết báo cũng ti toe tập viết. Khổ nỗi, anh chàng chẳng biết viết bài, chỉ chuyên viết ý kiến bạn đọc. Lâu lâu, ở văn phòng khoa có gửi về một “văn hóa phẩm” gồm báo biếu và mấy chục nghìn cho Tú. Với anh chàng làm báo nghiệp dư, những ly cà phê khao bạn bè mà không phải ngửa tay xin tiền phụ mẫu cũng đủ khiến bạn bè phục rồi.

Chuyên nghiệp hơn chút, có thể kể đến V.Trúc (môi trường K04, ĐH Kỹ thuật công nghệ), vốn là “dân tự nhiên” thế mà anh chàng cộng tác khá tốt cho một tờ báo học sinh. “Chịu chơi” hơn, Trúc viết cho mảng văn hóa - văn nghệ, chuyên đi phỏng vấn ca sĩ ngôi sao. Trúc bảo, “dân tự nhiên” làm báo bất lợi lắm. Ban đầu, viết câu cú cứ lộn tùng phèo, sau này biết “gu”, đỡ khổ.

Hơn nữa, viết bài phải đi phỏng vấn, không phải chuyện dễ dàng: “Lúc đầu tui tưởng gặp ngôi sao khó lắm, té ra không đến nỗi nào. Ngôi sao ấy mà, người ta không yêu cầu mình trình thẻ phóng viên. Thế nhưng mình mới chân ướt chân ráo vào, phỏng vấn người ta mà tòa soạn gạt bài (vì nhiều lý do) coi như mất uy tín với... nhân vật ngôi sao, rất khó làm ăn”. Hiện tại, Trúc chưa tốt ngiệp ĐH, cũng không biết ra trường có tiếp tục viết báo hay không, thế nhưng, thành quả (những bài viết trên nhiều tờ báo) khiến bạn bè khen anh chàng quá xá.

Đàn em văn khoa, và những “hậu duệ” khoa báo chí đều biết đến C.M.C., hiện đang là người giữ trang tờ báo T, từ một anh chàng SV khoa văn - ĐH Sư phạm, C.M.C. nổi đình nổi đám nhờ những phóng sự khi còn là SV. Những lời đồn thổi về “quá khứ hào hùng” của anh không biết thực hư ra sao, chỉ có một sự thật, anh đã bỏ nghề dạy để làm báo, và khá thành công. Có được thành công, đằng sau C.M.C., chắc chắn, là đi từ “phóng viên không báo chí, không thẻ”.

V.N. (ngữ văn - ĐH Đà Lạt) hiện đang là phóng viên báo S thì tìm cơ hội cho mình từ trang báo tỉnh lẻ, nơi anh học. Bạn bè anh kể rằng: “Từ hồi SV, anh ta chịu khó đạp xe xuống đèo chỉ để lấy một cái tin, nhuận bút... 15.000 đồng”. Nhuận bút là nhỏ, nhưng cái được lớn nhất của anh chàng “phóng viên không báo chí, không thẻ” này là kinh nghiệm”.

Còn những chuyện V.S., học luật đi làm báo Pháp Luật, khá thành công. Anh chàng K.L., T.L. học ngữ văn lần lượt được nhận vào báo ANTG, tạp chí TGS... và chuyện SV “ngoài báo chí”, đi phỏng vấn SV báo chí để viết báo là những câu chuyện “hết tính... giật gân”, trở nên thông thường từ lâu.

Kết

Có lẽ, một phần, thấy được tầm quan trọng của việc “lăn lộn thực tế” tự bươn chải, tìm kiếm thông tin mà không ỷ lại, phụ thuộc vào thẻ hoặc giấy giới thiệu, nhiều tòa soạn quyết định không cấp thẻ cho những SV thực tập. Sự va chạm với thực tế giúp họ thoát khỏi những trang giáo trình khô cứng, kinh viện để làm báo tốt.

Chuyện làm việc không thẻ đối với SV “trong” và “ngoài báo chí” thật sự cung cấp cho họ kỹ năng làm việc, kinh nghiệm thực tiễn dồi dào. Trong sự cạnh tranh khắc nghiệt ấy, lộ ra được những gương mặt xuất sắc, được nghề báo ưu ái chọn lựa.

HỮU HUY (ĐH Sư phạm TP.HCM)

1 comment:

  1. hehe tui có nhìu zụ li kì hơn mí bà đi thực tập nhìu

    ReplyDelete

Hạnh phúc

* Hạnh phúc = Trao đổi + chia sẻ + kết nối yêu thương = My name. Nếu hạnh phúc đơn giản chỉ là những nụ cười, tôi muốn níu mãi những nụ cười bất tận, cùng bạn bè, gia đình và những người tôi yêu thương!
* Cuộc đời chỉ có một, mong muốn tình yêu cũng có 1 nhưng lại có duyên với... số 2 ^^.