VỀ QUÊ
Chuyến xe về quê không yên bình như tôi vẫn nghĩ. Hành khách trên xe đông đúc, chen lấn nhau. Những bao tải chè chất đầy lối đi, muốn vào ghế ngồi phải đi trên những bao chè nghe lạo xạo tiếng chè bị đạp vụn. Ba chị em ngồi ở ghế cuối cùng của xe, nơi dằn xóc nhất. Bên cạnh là một anh bộ đội, không rõ lắm binh chủng. Tài xế phóng xe chạy như bay, không cần biết đường sá thế nào, hành khách ra sao. Cứ mỗi bận qua một chỗ gấp đường là cả 4 hành khách ghế cuối cứ lơ lửng không chạm ghế, mà những chỗ gấp đường thế này có phải thi thoảng gì cho cam. Có tiếng la oe óe than phiền, có tiếng chửi rủa nhưng hình như não trái của tài xế không nhận diện được thứ ngôn ngữ ấy. Xe vẫn chạy băng băng. 2/3 thời gian ngồi trên xe là lơ lửng. Anh bộ đội nãy giờ lẩm bẩm đã rủa thành lời to: “Bác tài chạy cứ như tù trốn trại không bằng”, “Bác tài chạy thế này thì giết người mất”… Không khí xe ngột ngạt, vài vị khách “đáng kính” còn đốt thuốc phì phèo. Lần đầu, tôi yêu cầu tắt thuốc, những vị khách ấy cũng nể nang, dụi điếu thuốc dù mắt trông chừng vẫn còn luyến tiếc lắm. Độ chừng một tiếng sau thì cơn thèm không thể kiềm chế được, họ phớt lờ những yêu cầu của tôi và cơn say vật vờ của Bá.Mùi xe, mùi người, mùi khói thuốc làm Bá say thật, lả người ra. Nhưng Bá không dựa vào người tôi mà nghiêng về phía… anh bộ đội. Cái chứng say của Bá cũng thật buồn cười, nghiêng về phía tôi thì nhức đầu, buồn nôn còn hướng ngược lại thì ngủ yên. Đành xin phép anh bộ đội cho dựa ké, anh ấy vui vẻ bảo “Cứ tự nhiên”. Sáng ngày Giao thừa, con đường quốc lộ băng qua những đồng ruộng bình yên, tĩnh lặng. Chỉ những lúc đi ngang qua các thị xã, thành phố mới thấy vẻ đông đúc, nhộn nhịp ngày Tết. Mở cửa sổ để hít lấy hít để cái không khí mát dịu, thinh thích. Sau 4 tiếng cực hình trên xe, anh bộ đội chào tạm biệt để xuống thị xã Tam Điệp. Tôi, Bá và Quân còn chịu trân thêm 2 tiếng nữa mới xuống bến xe Thanh Hóa. Thở phào. Đc hít khí trời, Bá cũng khỏe hơn ra. Bến xe gần ga, đi taxi chừng nửa tiếng nữa là về đến làng. Ở đây là có thổ địa rồi nên ko lo nữa. Quân chỉ đường đi ngắn, lại kiêm luôn hướng dẫn viên. Nó chỉ cho tôi và Bá bằng cái giọng đầy hào hứng, đây là thị trấn rừng thông, nơi có khu rừng thông nó và bạn bè vẫn leo lên chơi, ở đỉnh có cả đền Hùng nhưng chẳng khi nào lên đến đỉnh đc. Kia là trường cấp 2 Đông Ninh của nó. Nọ là trường cấp 3 Nguyễn Mộng Tuân. Còn đây nữa, nhà vườn hoa hồng người ta đang tranh thủ cắt ra chợ bán, đây là chợ huyện… Những cái địa danh lạ hoắc lạ huơ với tôi và Bá. Chỉ xuýt xoa mỗi khu người ta trồng hoa hồng, Quân bảo cứ về nhà rồi Tết nó sẽ dẫn lên đây chơi, mua hoa, rẻ lắm!Xe từ đường cái lớn, rẽ vào con đường làng bé tẹo, rải đá dăm, hai bên là ruộng mà thoạt nhìn tôi ko nghĩ xe có thể chui lọt. Qua những cái ngoặt còn bé hơn nữa, những chỗ tưởng chỉ vừa đủ 2 người đi, làng dần hiện ra, ko phải bao quát mà là từng mái nhà, con người. Đầy lạ lẫm. Theo lời chỉ dẫn của Quân, xe dừng lại trước một căn nhà, khoảnh sân khá rộng rãi. Hầu như nhà nào ở đây cũng xây theo lối này. Xuống xe, mắt vẫn còn hoa hoa. Người trong nhà ko kịp ngó 3 đứa, từ trong sân nói vọng ra văng vẳng mà tôi đoán chừng cả làng cũng nghe rõ mồn một: “Ai đỗ xe trước nhà tôi đấy?”. Hình như là… bà nội. Vẫn ko khác gì lắm trong trí nhớ của tôi. Vóc người be bé nhưng tinh lắm. Bà nhận ra ngay Quân: “Ái chà, chú Quân” rồi mới ngờ ngợ ra hai đứa cháu. Một mối quan hệ lằng nhằng. Xét về đường họ, bà gọi bố của Quân bằng… chú. Nếu bố nó ko lấy dì của tôi thì tôi cũng phải gọi nó là chú như thường. Quân xách đồ về nhà, tức bên ngoại của tôi. Tôi hỏi nó đường ra, nó chỉ tay về phía trước: “Dễ lắm, hai chị cứ đi thẳng đường này là đụng nhà mình”. Lề ở quê vẫn quen thói hướng nội nên về buộc phải rẽ sang bên nội trước rồi muốn đi đâu mới đi được. Sắp xếp sơ đồ đạc trong gian nhà, tôi với Bá xin phóng ngay ra nhà dì để biếu quà. Cái cảm giác nhẹ nhõm khi thoát khỏi mớ đồ đạc lỉnh kỉnh. Cái mùi của làng quê làm thư thái cả người, cái mùi ko lẫn vào đâu đc: mùi đường ko có khói bụi xe cộ, mùi ngai ngái của rơm, của bò lẫn đồng ruộng. Đúng theo tay Quân chỉ, tôi và Bá cứ đi mà hoang mang chẳng có chút ấn tượng gì trong ký ức. Bá cả chục năm chưa về quê lần nào, tôi về 1 lần hồi… lớp 2. Lúc ấy ông bà vẫn ở trong nhà cũ. Đang đi thì gặp người quen: Bà Huê. Bà vào Nam, ghé nhà tôi thường xuyên. Mối quan hệ từ thời ông nội đã mang theo sau cái chữ “họ” rồi. Chỉ biết tôi gọi con bà là chú, gọi bà là bà, năng đến nhà nên gần hơn một tý, vậy thôi. Bà ngạc nhiên: “Ớ, hai đứa đi mô?”, “Ra nhà bà ngoại ạ!”. “Ra đấy sao lại đi đường ni?”. Bà cười xòa rồi chỉ hai đứa theo đường ngược lại. Việc chỉ có vậy thôi mà hôm sau cả làng đều biết hai chị em đi sang nhà bà ngoại theo hướng đường cái. Cái thằng Quân rõ thật là, mình lạ nước lạ cái mà nó cứ làm như nó ko =. Hóa ra đi thẳng của nó là cái hẻm xi măng ngay sát cạnh nhà bà nội tôi. Đi ngang qua mấy nhà, ko có người thì thôi, bất chợt gặp ai đó (mà thề với trời đất, chưa từng biết đó là ai) đều vồn vã: “Ớ, hai đứa ni, ra nhà bà à, về khi nào”. “Dạ, tụi cháu mới về”. “Lát nhớ ghé vô nhởn nhá!”. Toe toét cười, dạ dạ vâng vâng mà trong lòng đầy thắc mắc: “Ai thế nhỉ?”. Chỉ cố nhớ đặc điểm nhà có giàn hoa giấy trước cổng, vườn có hành hẹ mọc hoa lên rất đẹp để hỏi dì với Quân. Sau mới biết đó là nhà bác Đằng, thỉnh thoảng vẫn nghe mẹ nhắc từ cái thời rau cháo. Nhà dì đây rồi. Bụi tre ngay đầu cổng. Ao vịt sát bên. Bên kia là đồng ruộng bát ngát. Từ hướng đồng nhìn lại, có lẽ chỉ mỗi nhà dì ở giữa đồng thế này. Tôi nhảy lên tưng tưng để hít cái ko khí thoáng đãng, cái khung cảnh hiếm hoi chỉ bắt gặp từ cả chục năm trước. Ngồi trong gian nhà, vắt chân trên gối là một người đàn ông trung niên. Bá reo lên “Chú A” thì đc đáp lại “Ớ, chú A trong tê”. Tôi chưa quen lắm với kiểu cách này, hơi khựng lại nhưng Bá đỡ lời ngay: “Trời ơi, chú cứ làm như cháu ko biết đấy mà hù!”. Rõ là chú A, gương mặt của Khét ko lẫn vào đâu đc. Có lẽ Quân giống bên ngoại nhiều hơn. Chú hay tếu táo lắm, cái chức khá to trong họ (là ông của cả nửa làng) khiến chú đùa, lừa, châm chọc cả làng vô tư. Ai nhẹ dạ cả tin, “mắc lỡm” thì dù có tức anh ách cũng phải ngậm bồ hòn làm ngọt, ko hé răng đc gì. Dì với mấy đứa em ở trong chạy ra. Dì, tụi tôi gặp vài lần thì ko nói, còn lại đều là những đứa gương mặt thoáng chút lạ lẫm. Tất nhiên, hai người muốn gặp nhất vẫn là ông bà. Bà ngồi trong gian buồng nhỏ, rờ rẫm đầu tóc, tay chân hai đứa cháu lâu ngày ko gặp. Bà móm mém, tóc lơ thơ vài sợi bạc (vì quả thực trên đầu cũng chỉ còn những sợi ấy thôi) nhưng vẫn còn đẹp lắm. Nước da trắng mà mẹ đc thừa hưởng, gương mặt tròn mà Bá tự nhận là hao hao giống. Ông ngồi ở giường đối diện, chân vẫn nhịp nhịp như những ngày còn trong Nam. Miệng cười cười, mặt rạng rỡ. Có điều ông trông già và ốm đi nhiều. Lại để râu dài, vì ngoài này ko râu dài ko ra… lão. Tôi vẫn nhớ cái nốt ruồi thọ ở bên dưới tai phải của ông mà ngày trước tôi vẫn hay xoa xoa, những cái răng mà tôi vẫn lay cho ông mỗi khi nó sắp rụng. Trông vậy mà ông còn dẻo dai lắm, dì khoe Tết nào cũng đánh trống cho làng. Ông nghe nói, lôi ngay ra bộ phục trang đánh trống truyền thống mặc cho tôi và Bá xem đầy hào hứng. Chú A đặt vấn đề phân chia ngay: “Hai đứa ko thể ở cả bên đó đc, phải chia ra mỗi đứa một nhà chứ!” nhưng tôi và Bá nhất định ko chịu tách nhau, vì có phân chia cũng chẳng giải quyết đc gì, đứa nào cũng giành... ở bên này. Có lẽ bà nội cũng biết điều đó vì có thấy bà nói lẫy “Bên đó lắm thanh niên cùng tuổi, nhởn vui hơn bên ni”… Chú A vẫn nhất định chỉ cho tối nay thôi còn từ mai phải chia ra, tối đứa này ngủ ở đây một hôm, đứa kia ngủ ở kia một hôm rồi đảo lại. Sợ bà ko chịu, lại sợ ngủ một mình, buồn, chứ ý chú A có lẽ cũng hợp tình hợp lý. Bên nào cũng ko bỏ đc, bên tình-bên nghĩa. Nhớ năm mẹ về, cả mấy tuần liền đều túc trực bên nhà nội, đến hôm đi cũng chẳng ngủ đc với bà ngoại đêm nào vậy mà chẳng hiểu sao vào đây vẫn bị mang cái tiếng... bỏ bê bà. Như H thì ko nói làm gì, đến giờ bà vẫn còn nhắc nó bằng cái biệt danh “ông khách ở trọ” vì hầu như nó chỉ tạt qua chứ chẳng ngủ ở bên nội ngày nào.Chỉ kịp đi tham quan một vòng nhà. Vườn cây, trang trại vịt, đàn chó gườm gườm nhìn người lạ, con bò vô tư lự đang lấy mõm rứt rứt vài sợi ở gốc rơm ngay góc cổng, nhà bếp chất đầy rơm, khói um lên cay xè mắt… Thích cái mùi khói này. Cái mùi khói quê hương mà nhiều người ở TP thỉnh thoảng vẫn lãng đãng khi vô tình bắt gặp đc ở đâu đó. Về lại nhà nội, hẹn Quân và mấy đứa em tối nay nhớ ra rủ đi chơi Giao thừa, xem ko khí tết ở quê thế nào. Dì cũng bảo “Ừ, viền đấy đi, có chi mấy đứa em nó sang gọi, ko bà V lại bới bây chừ đấy!”. Nhà nội cũng bắt đầu khách khứa ra vô. Cô ở nhà dưới lên nói chuyện, những đứa em Trung, Tá hơm mà tôi vẫn nghe trong những câu chuyện của mẹ, của chị khi kể chuyện ở quê. Giấu biệt chuyện ra Hà Nội, ghé Thái Nguyên (vì ko muốn cả tết này ăn mắng), nhưng qua lộ trình ko khớp mà tôi với Bá vẫn bảo là… tàu trễ, bà có phần ướm dò: “Sao chừ mới viền tới, hay bay lại ghé nhà Bác bay ở Hà Nội rồi mới ra đấy? Để bà trông trông…”. Đi sắp xếp bánh trái cúng phụ bà. Cái ghế cao nhỏng bà leo thoăn thoắt lên làm tôi sợ phát khiếp. Cái điệu đi "nhanh hơn chạy" của bà, danh bất hư truyền đến giờ tôi mới đc tận mắt thấy. Sang nhà thờ họ cách đó mấy gian cúng vái tiếp. Nghe bà khấn ầm trời, giới thiệu 2 đứa cháu từ cái tông chi dài ngoẵng nào đấy về thăm quê. Ngồi ăn bữa cơm đầu tiên, có bánh chưng mà bác Thao (ở đây vẫn hay gọi thay con mình “chú, bác” cho oai chứ ông ấy chỉ hơn tôi 1 tuổi, lại anh họ nữa, cả làng đều là họ hàng) sang phụ bà gói, có miến, thịt ngan mà cô tôi “đặc biệt làm” đãi hai đứa cháu xa quê, có đồ xào cây nhà lá vườn, cả rượu Champagne mà chú tôi trong Nam gửi vào… Nhưng tôi chỉ ăn đc 1 miếng bánh chưng với đồ xào. Bá cắm cẳn từng cọng su hào nhai vì ko hợp khẩu vị. Ai bảo sao ăn ít thế, giữ eo (dù làm gì có eo mà giữ) rồi con gái thành phố ăn kiểng… cũng đành chịu. Hai chị em cứ đưa mắt nhìn nhau, đến tôi còn thấy Bá “ăn kiểng” huống gì người khác. Mấy người làng sang ngồi chơi, kể chuyện nhưng chỉ nói chuyện với bà là nhiều, hai đứa cháu đã chung vô mùng nằm đắp chăn. Thỉnh thoảng tôi và Bá nghe được những câu kể lể về sự chuẩn bị của bà, nào là nghe bay viền, sợ uống ko quen nước, bà phải kêu o mi (cô mày) chạy lên Thiều mua suối khoáng, nước ngọt. Nào là bác Thao phải sang quét dọn với bà mấy hôm… Tôi và Bá lơ mơ ko nghe hết, chỉ kịp dặn bà “Tụi cháu nằm nghỉ một lát tối bà kêu dậy đón Giao thừa nhé”, đợi nghe tiếng bà ừ rõ to rồi thiêm thiếp đi. Nhưng tôi quên mất ở đây là quê, nhà bà dường như quạnh vắng nhất trong làng, chỉ 8h là tối om om. Ko có lệ thức đón Giao thừa như trong Nam, ngoại trừ đám thanh niên đi chơi khuya. Cái mệt của cả chặng hành trình cộng với cái khí lạnh se se làm tôi và Bá đặt lưng xuống là ngủ ngay. Mặc cái chăn nặng trịch đang đắp đầy mùi ẩm mốc và gián, chuột tùm lum. Báo hại Quân với mấy đứa em bên nhà ngoại, tối hôm ấy khản cả giọng vì giả tiếng... cú với tắc kè để kêu hai chị dậy đi chơi. Năm đầu tiên và có lẽ cũng là duy nhất hai chị em ngủ thẳng cẳng trong đêm Giao thừa…
No comments:
Post a Comment