Trong này đất lạ người đông
Dừa kia nhớ ngõ còn ông nhớ bà
Trong này ngoài ấy cách xa
Ông ơi dừa đã thành nhà người ta
Khoảng trời đầy nắng và hoa
Tuổi thơ đầy gió, đồng xa ông về...
Nghe loáng thoáng qua báo đài mới nhớ ra ngày Thương binh liệt sĩ. Giật mình nhớ đến ông. Hình như đây là lần đầu tiên mình nghĩ đến ông trong ngày này! Sự vô tâm của một đứa cháu, cách trở của không gian hay chính cái thói quen của một người lính có thể tự lo cho mình ở ông đã khiến mình cũng như mọi người không còn nhớ ra ông là một thương binh nữa?
Ông, người đã miệt mài sức trai của mình ở Điện Biên, Tây Bắc, biên giới Việt - Lào đến nông trường Thái Nguyên. Ông, người vẫn sống bần hàn trong thời đương chức đương quyền, có vài xe gỗ làm nhà cũng áy náy xin hết chữ ký của đơn vị này đến uỷ ban kia chỉ để chắc chắn đó là của “minh bạch”. Ông, người khiến bao nhiêu người khác phải nhớ tên dù con mình có thể quên mặt! Ba mươi mấy năm đem sức trai cho lý tưởng, đến khi ông trở về với gia đình thì con cái ai cũng yên bề gia thất cả rồi.
Biết mặt ông từ lúc ông vào Nam lấp đầy khoảng trống của bố! Ông lúc nào cũng mang kỉ cương của quân đội: khuôn phép và nguyên tắc nhưng vẫn không mất đi cái vẻ gần gũi, đơn sơ! Lẽo đẽo theo ông suốt ngày, mình quá rành lịch của ông. Sáng dậy từ lúc tinh mơ, tập thể dục, bắc ấm nước rồi lại loay hoay việc nhà. Sau giấc ngủ trưa, ông viết lách, đọc thơ. Chiều đi dạo, dạy cháu. Tối, ông lại trở về với những kí ức của quê hương, đồng đội, của những năm tháng vật lộn với lằn ranh giữa sự sống và cái chết hết sức mong manh!
Mẹ chạy việc ở bên ngoài nên mình gắn với ông như hình với bóng trong suốt thời thơ ấu. Ông giọng Bắc, cháu giọng Nam, hết đi đón em ở nhà trẻ lại theo ông đến chỗ này, nơi kia, líu ríu suốt cả ngày. Từ ông, mình học được những mẹo làm bếp đầu tiên: nhặt sạn gạo hay “Thịt một giành không hành cũng không ngon”. Từ ông, mình bắt đầu yêu thơ. Cũng như bao nhiêu cựu chiến binh khác, ông thích nhất thơ của Bác Hồ và Tố Hữu. Lên sáu, trong khi bạn bè cùng trang lứa chưa biết rõ Nguyễn Ái Quốc là ai, mình đã có thể thuộc làu và cảm được những Ốm nặng, Cơm tù... trong Nhật ký trong tù, những bài mà ngay cả sách giáo khoa THPT hiện giờ cũng chưa chắc có. Những hôm chạnh lòng nhớ quê, lại cùng ông hóng gió ngâm thơ. "Trong này đất lạ người đông/ Dừa kia nhớ ngõ, còn ông nhớ bà!" đọc xong ông cười khà một cái, lúc ấy mình mới biết hoá ra những người như mình, như ông cũng có thể... làm thơ!
Từ ông, mình bắt đầu học toán. Cái cách chia số hạng với hai đường chéo (chẳng biết ông học được từ thuở nào?) tuy không giống cách cô dạy ở trường nhưng nó vẫn thu hút mình đến lạ. Từ ông, mình bắt đầu quan tâm đến lịch sử. Những chiến dịch Việt Bắc, Điện Biên... cứ đua nhau kéo dài vô tận, chúng hiện lên sống động qua lời kể của ông - người từng có lần suýt chết vì một viên đạn bay sượt qua đầu! Cả cuốn sách đầy hình ảnh kể về hành trình tìm đường cứu nước của Bác Hồ mà mình vẫn tò mò đọc xem tại sao ông lại thích nó đến thế? Cả những bài hát về Điện Biên, về kháng chiến rồi Giải phóng miền Nam... cứ như vậy đi vào đầu mình với một niềm hứng thú lúc nào chẳng hay.
Lại nhớ về ông đúng ngày Thương binh liệt sĩ. Ông vẫn vậy, tự lo cho mình và bà bằng đồng lương hưu, kể cả việc sắp đặt sẵn "hậu sự" cho mình. Vẫn quây quần bên con cháu, vẫn đủ tỉ mỉ để chăm chút những bằng khen, huy chương có được trong kháng chiến, vẫn đủ minh mẫn để bàn chuyện thời sự, vẫn đủ khéo léo để đánh trống cho làng vào các dịp lễ hội quan trọng. Nhưng ẩn trong tất cả những niềm vui cuộc sống ấy, mình biết vết thương cũ - viên đạn ở chân, ở lưng chưa gắp ra được vẫn hành ông mỗi khi trái gió trở trời...
Ông, cả tuổi thơ đẹp đẽ dù có những lúc không mấy bình yên! Giờ này nơi đó, ông làm gì??
No comments:
Post a Comment