NỬA NGÀY Ở THỦ ĐÔ
Ga Hà Nội nhộn nhịp người ra vô. Lạnh co ro. Trời còn tối, mờ mờ sương. Đoán chừng 4 giờ sáng. Vậy là tàu trễ hơn 1 giờ. Thấy tội nghiệp Quân vì đa số đồ đạc toàn nó vác. Bước ra cổng là bãi đậu xe, cơ man là xe ôm chào mời. Xe ôm ở đây cũng nhộn nhịp chẳng kém gì các bến xe ở Sài Gòn, chỉ được cái không lôi kéo nhằng nhì như tôi vẫn gặp. Dù vậy, ba chị em cũng phải lắc đầu đến ngoẹo cả cổ. Quanh quất chẳng thấy ai, biết đi đâu giờ này? Để Bá và Quân đứng trông đồ, tôi len ra khỏi dòng người đang sắp sửa ùn tắc, chạy sang bên kia đường để gọi điện cho mẹ. Cái thẻ điện thoại từ đời nào ngủ quên trong ví, giờ lại trở nên hữu dụng. "Ai vậy? Hoan hả, mẹ đâu?" thấy giọng nó ngái ngủ nhưng hớn hở ra mặt. Hồi biết kế hoạch đi của tụi tôi, nó cứ tiếc mãi vì không được tham gia.
- Mẹ hả. Tụi con tới Hà Nội rồi. Khỏe hết, Bá say tàu nhưng giờ không sao rồi. Ủa có ai ra đón tụi con không? Tàu trễ hơn 1 tiếng lận…
- Tối qua mẹ gọi, nghe đâu con Liên đi đón, thử đứng đợi nó chút coi.
- Ôi trời, sao lại kêu chị Liên đi đón. Chỉ có biết mặt tụi con mà tụi con cũng có biết mặt chỉ đâu!
- Chắc thằng Quân nhớ mặt con Liên đó, cứ chờ đi nhé!
- Dạ, vậy thôi, nếu không gặp thì con sẽ gọi lại sau nha mẹ.
Cho tay vào túi chiếc áo khoác dày cộp, hà hơi ra khói. Ga Hà Nội nằm ngay một cái ngã ba, đường rộng thênh, vắng tanh. Nếu là giờ này ở Sài Gòn chắc cũng vậy. Vào chỗ đứng đợi, chỉ thấy Bá với cơ man đồ đạc, túi xách. Không biết Quân đã đi đâu mất rồi. Đất lạ, xung quanh là người lạ không rõ tốt xấu. Đang lo vì chị Liên chỉ biết mỗi Quân, lỡ đâu đi phớt qua hai chị em mà không biết. Nhưng rồi Quân từ xa đi lại, theo sau đã là một dáng người cao to. Anh Minh. Reo lên đầy mừng rỡ.
- Trời ơi, tưởng đại ca để chị Liên ra đón chứ. Đang lo đây này.
- Tàu trễ hả. Anh đi từ 2 giờ rưỡi, chờ mãi mà không thấy đâu. Nghe mẹ bảo tàu đến khoảng 3 giờ. May mà chưa đi về.
- Tôi đoán chắc đại ca thế nào cũng lo ngó ở cửa ra vào. Đến đó, thấy ai quen quen, hóa ra là đại ca. Quân dẫn giải.
Bốn anh em kéo nhau đi. Có anh Minh nên Quân cũng đỡ nặng được phần nào. Anh Minh là anh chị Xuyên, con thứ ba của mẹ Oai tôi. Dạo trước anh ấy vào ở nhà tôi, chức to nhất trong mấy chị em nên được gọi là "đại ca". Giờ quen miệng, tụi tôi vẫn gọi vậy. Anh ấy đi làm chừng được hai năm thì bác, mẹ Oai tôi gọi về vì ông nội bệnh nặng. Mấy anh em tay xách nách mang sang đường, bỏ lại cái nhìn tò mò lẫn những lời chào mời của hàng tá bác xe ôm. Ghé vào một hàng phở ngay góc ngã ba ấy. Tô phở Hà Nội đầu tiên là ở đây. Không phải là sợi phở dẹp, mỏng, bản to mà là sợi phở tròn, dày, thanh nhỏ. Không tương, không rau và cái vị nước cũng khác. Ăn được nhưng để nói đến từ ngon thì không phải là món mà tôi, Bá và Quân mong đợi. Có dịp nhìn kỹ lại đại ca, ốm và đen hơn so với hồi còn ở nhà tôi. Có lẽ là lo và phải chạy tới chạy lui bệnh viện chăm sóc ông. Hỏi thăm ông nội anh ấy, một cái giọng trầm đục cất lên: "Giờ thì tạm ổn rồi nhưng chắc không qua được Tết này!". Một chiếc taxi trờ tới. Chiếc taxi anh Minh đã kêu sẵn từ gần nhà ông nội anh ấy lên đây. Tôi với Bá nhìn nhau:
- Anh với Quân đem đồ về nhà trước nhé. Tụi em còn đi tham quan Hà Nội cho biết. Chẳng lẽ tới đây rồi mà không đi đâu.
- Về cho bố mẹ anh thấy mặt đã rồi đi chơi. Hai cụ trông từ qua đến giờ. Anh mà về một mình có mà bị mắng cho à! Từ chỗ anh bắt xe lên đây chơi có nửa tiếng chứ nhiêu. Thôi về đi cái đã.
- Có thằng Quân về rồi nè. Anh cứ nói đến trưa tụi em về là được. Chứ về đó rồi có mà đi chơi được á!
Quân im im không nói gì. Anh Minh cũng chịu trước tính gàn bướng của tôi. Say xe chứ Bá cũng thích đi loanh quanh Hà Nội mà!
- Thôi được rồi. Thế em tính đi chơi Hà Nội bằng gì?
- Xe buýt
- Ừ, vậy cũng được. Khi nào về, em cứ gọi cho anh Thành lái taxi đây, anh ấy sẽ lên đón hai đứa. Còn nếu đi xe buýt, em cứ bắt tuyến số 17 về Phủ Lỗ rồi gọi điện về nhà chú Dung nhé. Đây, số điện thoại của anh Thành với nhà chú Dung, đừng để mất đấy!
- Ôi, vâng, biết rồi, đại ca khéo lo thế!
Tôi nhăn răng cười, có lẽ một phần vì cái địa danh Phủ Lỗ nữa.Chất đồ lên xe, giữ lại 2 cái túi đựng đồ lặt vặt nhẹ nhất của tôi và Bá. Mấy anh em nhờ anh Thành chụp cho một kiểu hình lấy thẳng ra ga Hà Nội. Tôi canh sẵn và anh Thành chỉ việc bấm máy. Có điều, tôi quên không phòng hờ chụp thêm tấm nữa, mấy tấm phim đầu thường hay bị bỏ đi… Khi chiếc xe taxi đã phóng vút đi, tôi và Bá xốc lại cái túi xách xinh xinh của mình để đi dạo phố. Chưa đến 6 giờ sáng, trời Sài Gòn còn trong trẻo huống chi Hà Nội. Hít hà cái không khí dễ chịu này và bắt đầu cuộc hành trình. Đi dọc theo con đường Trần Hưng Đạo từ ga ra, tôi và Bá ngó quanh cái nếp sinh hoạt của thủ đô những ngày giáp Tết. 27 Tết rồi còn gì. Không biết có phải vì là những ngày giáp Tết hay chỉ riêng biệt một vài con đường như con đường này không mà tôi có cảm giác Hà Nội thức dậy muộn hơn Sài Gòn. Tôi đảo mắt tìm một chiếc xe buýt nào đấy để đi nhưng Bá vẫn còn âm hưởng của cơn say tàu lao đao nên tôi nhất trí với Bá chừng nào không đi bộ được nữa thì mới bắt xe buýt. Taxi, Bá cũng không chịu được, còn xe ôm thì chẳng còn gì gọi là đi chơi Hà Nội nữa. Đi lang thang theo ngẫu hứng giống như hai đứa trẻ chưa biết gì, gặp cái gì cũng thấy mới lạ và thích thú. Đường Hà Nội có khác, không khói bụi, ồn ào như Sài Gòn. Nó cứ có một cái vẻ gì đó trầm lắng, cổ kính. Cây cối cũng nhiều hơn, đường nào đường nấy mát rượi. Ngắm nghía Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô. Lang thang qua vài cái ngã rẽ, ngó lên đã thấy đường Quang Trung. Hai chị em đang lang tang đi thì gặp một anh mặc sắc phục đang đứng gác. Không hiểu có phải vì nhìn hai chị em lơ ngơ không mà tự nhiên anh ấy tiến đến cười rất tươi hỏi chúng tôi muốn đi đâu. Tôi nhờ chỉ ra đường Thanh Niên. Hai chị em cám ơn rồi đi tiếp vì biết anh ấy có chỉ tận tình thế nào mình cũng chẳng nhớ nổi vài ba cái ngã quật lung tung ấy. Bắt gặp một cái công viên. Công viên Lê-nin. Vài ông bà cụ đang tập thể dục, thỉnh thoảng cũng thấy vài bà mẹ trẻ với nôi đẩy trẻ em. Hai chị em chọn cảnh chụp hình, muốn lấy cả bồn hoa vạn thọ đang khoe sắc vàng cam rực rỡ lẫn tượng Lê-nin sừng sững ngay giữa. Không có gì đặc sắc lắm nên chúng tôi chỉ dừng ở đó một lát rồi đi. Tôi muốn ra lăng Bác, muốn đến xem con đường mà báo chí từng bảo là đẹp nhất Hà Nội: Đường Thanh Niên nhưng lại không có bản đồ trong tay. Ngó đi ngó lại cũng chẳng thấy chỗ nào có thể vào mua một cái bản đồ. Ngang qua phố Thợ Nhuộm, ra phố Bà Triệu, qua con đường có tấm biển đề Hai Bà Trưng. Tiếp tục đi qua những phố Quán Sứ, Hàng Gai… Lướt ngang qua một cái biển lớn. Chợ Hàng Bè. Tôi muốn reo lên khi rủ Bá vào xem. Cái biển đề Chợ Hàng Bè to uỳnh. Từ ngoài nhìn vào đã thấy treo lủng lẳng những con vật béo tròn trùng trục đã được làm sẵn. Nhìn kỹ, nghe mùi hóa ra là thịt cầy. Tôi vốn yêu loài vật trung thành này nên trông thấy lại ghê ghê, tồi tội. Vượt qua gian hàng thịt cầy ấy là hàng rau, trái cây. Bất chợt tôi nghĩ đến phật thủ. Vốn được giới thiệu nó là đặc sản của quê tôi nhưng cũng thử tìm xem ở Hà Nội có không. Trước khi đi, tôi đã định mua nó làm quà cho một người bạn. Thử tìm, vậy mà có thật. Không phải tìm lâu, ngay gian hàng trái cây đầu tiên tôi và Bá đặt chân đến. Tôi nhảy cẫng lên với Bá "Phật thủ kìa!", cứ làm như là được thấy Phật vậy chứ không phải chỉ là một loại trái cây, không nhận ra được lúc ấy trông mình buồn cười thế nào.
Tôi may mắn có dịp được chiêm ngưỡng cái thứ quả kỳ lạ này qua hình ảnh nên giờ thấy là nhận ra ngay. Cô bán hàng mặt hoa da phấn, trang điểm kỹ càng đang xếp lại các loại hoa quả, sau một phút hiếu kỳ nhìn hai chị em. Tôi cầm quả phật thủ được bao bọc cẩn thận lên ướm lời hỏi giá, cô bán hàng vẫn không ngơi tay sắp xếp, buông xõng một câu "Hai trăm.". Tôi và Bá tròn mắt nhìn nhau, hỏi lại lần nữa "Hai trăm ngàn ạ?". Tôi hỏi lại, phần vì hơi ngạc nhiên trước cái giá của Phật thủ, phần để chắc chắn, vì trong Nam có những chỗ bán hàng rất vui, có thể nói chơi giá, cứ việc thêm một vài con số 0 vào sau. Chẳng hạn như vài chục ngàn thì cứ kêu vài trăm, có khi vài ngàn họ cũng nói đùa là vài triệu, tất nhiên khi đưa tiền thì chỉ là vài ngàn, chục ngàn thôi. Cô bán hàng nhìn tôi bảo "Hai trăm nghìn là quả be bé kia kìa, chứ quả to này phải ba bốn trăm đấy. Phật thủ mà em!".
Theo tôi biết thì Phật thủ múi như múi bưởi nhưng bé hơn rất nhiều. Chủ yếu là cùi và hương thơm, các tay chơi cây kiểng hay những người một lòng hướng Phật thường mua về chưng chứ không ăn được. Chị em tôi không phải tay chơi kiểng, hướng Phật thì có nhưng sùng đạo đến mức phí vài trăm ngàn cho một quả Phật thủ bé tí thế này thì không. Thế là tôi với Bá dội ngược trở ra. Vấn đề ở đây là tôi không biết lối buôn bán ngoài này thế nào. Cứ thế đi ra không chừng lại bị dập cho một trận te tua. Trong Nam nhiều chỗ vẫn vậy, sáng sớm mở hàng, vào hỏi hỏi không mua gì là cứ liệu hồn. Không chửi thì người ta cũng đốt phong long trù ếm, xua đuổi như tà ma… Thôi thì cứ theo cách trong Nam vậy, tôi với Bá rinh một túi cam chỗ hàng chị rồi yên ổn đi tiếp. Hóa ra, có những cách ứng xử dùng ở miền nào cũng có thể khiến người ta hài lòng. Dạo một vòng quanh chợ nữa cũng chẳng thấy đặc sắc lắm. Hơn 6 giờ rồi mà chợ mới lác đác một vài người…Quay trở ra, tôi và Bá vẫn buồn cười về quả Phật thủ lúc nãy. Thêm một túi cam lủng lẳng bên balô của Bá. Tò mò trước những gian hàng rong bán thức ăn sáng như bún, bánh cuốn hay trứng vịt lộn… Ngạc nhiên vì cũng là quán cóc nhưng ở đây người ta có cách ngồi ăn rất lạ, ngồi xổm và đặt tô, chén, dĩa trên một cái ghế nhỏ, thế là xong. Không như Sài Gòn, quán cóc nhưng cũng phải cho ra một cái quán có bàn ghế, đàng hoàng. Chẳng hiểu đây có phải là nét văn hóa của ngoài này hay chỉ là vài trường hợp ở những con đường tôi và Bá đi qua? Như ở Sài Gòn cũng có những trường hợp ngoại lệ, quán cóc không cần bàn ghế, khách nằm ngồi lê la, ngổn ngang: Khu trước cổng trường Đại học Kiến trúc. Đi tiếp, lần này là hướng ra hồ Gươm. Đi mải miết qua những cửa hàng bán vải vóc làm tôi liên tưởng đến đường Đồng Khởi ở Sài Gòn. Khác chăng là cái nhỏ, hẹp của nó, với lại trước mỗi gian hàng dù cửa kính sang trọng hay cửa gỗ, cửa kéo bình dân cũng thường có một bà cụ bán hàng nước với độc một cái khay đựng ấm trà, vài ba chiếc ly nhỏ, một cái ghế gỗ cũng nhỏ nốt. Chỗ nào cũng chỉ thấy chừng một, hai vị khách ngồi lại hớp một ngụm trà, tán chuyện gẫu cho vui. Đi ngang qua trường Dược ở Hà Nội. Vẫn cái nước sơn vàng quen thuộc, tôi tự thắc mắc không biết bên trong có rộng hơn cái vẻ bề ngoài của nó không nhỉ! Cuối cùng, hai chị em cũng hỏi được đường ra hồ Gươm, qua phố Cầu Gỗ. Bác chỉ đường bảo gần lắm, gần lắm mà hai chị em đi rã cả chân mới tới. Cũng may có hai người trò chuyện nên không thấy mệt bao nhiêu. Hồ Gươm cũng là bến, là điểm dừng của một vài tuyến xe buýt nên nhộn nhịp những xe ra vào. Hồ Gươm đúng là mênh mông nếu so với bất kỳ cái gì chứa nước ở Sài Gòn và thật khập khiễng nếu đem so nó với hồ Con Rùa. Có chăng so với hồ Xuân Hương ở Đà Lạt thì được! Từ ông cụ bà lão đến thanh niên nam nữ đều kéo nhau ra hồ Gươm đi dạo, trò chuyện, tấp nập như bất cứ một điểm tham quan nào ở Sài Gòn. Tuy nhiên, nó vẫn có sự tĩnh lặng cần thiết, có lẽ là đặc trưng hơi thở của Hà Nội. Tôi và Bá chọn chiếc ghế đá nhìn thẳng ra Tháp Rùa với Bưu điện Hà Nội, ngồi bóc cam ăn ngon lành. Thật phí nếu ở đây mà không có tấm hình nào kỷ niệm. Hai chị em bước xuống cả bậc tam cấp của hồ Gươm để chụp hình. Ngồi mãi ngắm nghía những người xung quanh rồi lại đi vòng khắp hồ Gươm. Hồ rộng quá, cứ mỗi góc độ lại thấy ở hồ một khung cảnh khác lạ. Nếu so với vẻ đẹp của một cô gái, nơi nhìn thẳng ra Bưu điện Hà Nội, trông hồ Gươm hiền hòa và trầm lắng như cô thiếu nữ mang vẻ đẹp truyền thống, cổ điển. Nơi nhìn thẳng ra cầu Thê Húc, thấy một hồ Gươm như cô thiếu nữ mang nét đẹp lộng lẫy, kiêu sa. Nơi lại thấy một hồ Gươm như cô gái hiện đại với ồn ã và nhộn nhịp của những quán cà phê vây quanh. Khuôn viên bao quanh hồ Gươm được chăm sóc kỹ càng với những bồn hoa, cây cỏ được xén tỉa, tưới nước thường xuyên. Tôi và Bá dừng lại ở một bậc tam cấp có thể thấy được những cành cây xương xẩu, cổ thụ nằm là là trên mặt nước. Nếu không sợ rơi xuống hồ, dám tôi cũng với lấy một cành đem về. Xung quanh chúng tôi là bóng cây tỏa rợp với những thân cây đang chao nghiêng theo chiều gió. Thích chí khi tôi phát hiện ra tòa soạn báo Nhân Dân nằm kề bên. Tờ báo đầu đàn chi phối phương hướng của nền báo chí trước giờ, nằm sững sững, uy nghi với cây xoài cổ thụ có cành lá xum xuê che khuất một góc tòa nhà. Kiến trúc này làm tôi liên tưởng đến Tòa án nhân dân Thành phố ở Sài Gòn dù chúng không đến nỗi giống nhau như hệt. Đi về phía đền Ngọc Sơn, phát hiện ra đa số thợ chụp hình ở đây là phụ nữ, điều này mãi về sau tôi mới thôi không thắc mắc khi thấy ở Sài Gòn cũng có rất nhiều thợ chụp hình nữ, đặc biệt trong dịp lễ tốt nghiệp ở các trường Đại học. Rời hồ Gươm, sang bên kia đường, hai chị em cũng táy máy với những gian hàng đồ len san sát nhau nhưng rồi chẳng ưng ý chọn được cái nào. Dừng lại ở một quán bún riêu ốc. Bá ngỏ ý muốn ăn trưa luôn. Quán thấp và cũng có khá nhiều thanh niên vào ăn. Nam nữ Hà Nội độ tuổi phổ thông xem chừng ăn diện hơn Sài Gòn nhiều. Ấy là tôi đoán vậy, qua cách trò chuyện, ăn mặc của vài đôi trong quán lẫn rất nhiều cặp chúng tôi gặp trên đường. Hoặc có thể là do tôi cứ so sánh những mốt này với phong cách quê mùa, lỗi thời ở Sài Gòn của mình cũng nên. Món bún riêu ốc với những vị rau là lạ vẫn không làm thỏa mãn khẩu vị của tôi và Bá. Đi vào phố ẩm thực. Hai chị em muốn thử lại “tập hai” để không vì một món nào đó mà có cái nhìn khác về ẩm thực Hà Nội. Bánh cuốn. Quán xinh xinh với bàn ghế gỗ nhỏ nhắn, giống một gian nhà ấm cúng hơn là quán. Bán hàng là đôi vợ chồng già. Bà cụ luôn tay tráng bánh còn ông lão phục vụ, bưng bê. Dường như khách ở đây chủ yếu là khách quen, thấy chủ khách nói chuyện thân tình như hàng xóm. Chủ - khách đang hỏi thăm nhau chuyện sắm sửa Tết, rồi hai cụ lại than với nhau về cái phố ẩm thực ế ẩm này. Lập ra rồi để đấy, chuyện này cũng chẳng xa lạ gì. Món bánh cuốn được dọn ra làm tôi phân tâm. Ở nhà, tôi vẫn hay ăn món bánh lá với nước chấm chua kiểu này nhưng sao cái vị vẫn khác kia. Mỗi món ở mỗi nơi là một vẻ, một vị nhưng bánh cuốn ở nơi được gọi là Phố ẩm thực trong lòng Hà Nội vẫn không đủ cuốn hút hay để lại ấn tượng đặc sắc gì nơi tôi. Với Bá còn tệ hơn nữa vì Bá vốn kén ăn, sành ăn hơn tôi. Hay tại chúng tôi lúc nào cũng nghĩ về Hà Nội như một vùng đất của văn hóa ẩm thực cùng sự tưởng tượng thái quá về nó nên chẳng món gì ở đây có thể đáp ứng nổi cái sự ngon trong trí tưởng tượng của mình? Hay tại chúng tôi ăn chưa đúng chỗ? Tưởng tượng như tới Sài Gòn mà chạy ra Đồng Khởi để ăn hàng! Đi ngang qua tượng đài vua Lý Thái Tổ với hai chậu tắc thật to. Người người qua lại đứng chụp hình bên bát nhang nghi ngút khói. Thật khó để lấy cho trọn vẹn tượng vị vua đặt nền móng cho đất thủ đô ngày nay cùng hai cây tắc vàng ươm, có lẽ vừa được đem ra trang trí trong dịp Tết. Quanh đó, chúng tôi có thể nhìn thấy vài cơ quan hành chính của thành phố như Thành ủy, Ủy ban nhân dân… Những phố mà chúng tôi tiếp tục đi đầy ắp những hoa, quà, bánh mứt ngày Tết. Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường. Bá thích mắt trước những gánh bưởi quả nào quả nấy căng tròn, màu cam tươi rói thật đẹp mắt. "Bưởi đào, hai mươi nghìn một quả." Bá mua được với 3/4 cái giá ban đầu và hớn hở với quả bưởi vừa đẹp vừa lạ mắt làm tôi cũng quên khuấy mất là trước đó mình đã nhìn thấy những chị bán hàng bưởi này ngồi tỉ mẫn dùng keo 502 dán cành lá tươi nguyên vào quả! Lang tang theo những con phố đó, chúng tôi đến Hàng Chiếu rồi khựng lại ở một nơi tấp nập nào người, nào xe, nào hàng quán và những lời chào mời: Chợ Đồng Xuân. Tôi muốn vào cái chợ đã quen tên này lắm nhưng đành phải nuối tiếc đi qua vì không thể làm ngơ trước những câu rền rĩ than mỏi chân của Bá nãy giờ. Cạnh đấy, Hàng Lược như một chợ hoa nho nhỏ, khắp đường là hoa là chậu, là cành và những vật dụng trang trí cây cảnh. Lướt qua vài loại hoa, không phong phú lắm, ở miền Bắc tất nhiên thông dụng nhất vẫn là đào. Các chợ hoa ở Sài Gòn cũng có đào nhưng đến đất của nó bao giờ chẳng là nhất. Chỉ có điều, tôi không tìm ra cây đào nào đẹp như những hình ảnh tôi vẫn xem trên ti vi hay mạng internet! Đi qua phố Gầm Cầu, tôi vẫn ngoái lại nhìn cái biển Hàng Cót đầy luyến tiếc vì không được khám phá. Chừng 10 giờ, trời lên nắng, ko nhàn nhạt nữa mà đã đủ để làm toát mồ hôi, chỉ lạ là mỗi đợt gió thổi qua vẫn làm tôi với Bá khẽ rùng mình. Chúng tôi đang ngồi tại một khuôn viên, ngay trạm xe buýt đầu đường Phan Đình Phùng. Bá ngồi nghỉ, bóc ăn nốt những quả cam còn lại. Tôi ngó nghiêng xem mình có thể đi hướng nào để đến lăng Bác, hình như cũng ở gần hồ Tây, một công đôi chuyện luôn thể. Trên bản đồ, tôi thấy nơi chúng tôi ngồi cách hồ Tây không xa, có xe buýt ra đó. Chạy lại năn nỉ Bá nhưng Bá nhất quyết không đi được nữa! - Bộ mày không biết mệt hay sao hả? Đi sáng giờ rã hết hai chân rồi nè!Quả thực nhìn lại chặng đường hai chị em đã cuốc bộ đi, không ngắn chút nào. Tôi cũng mệt, cũng mỏi chân nhưng cái háo hức muốn đi nó mạnh hơn sự mệt mỏi. Tôi cố thuyết phục:- Ra hồ Tây đi, gần đây lắm. Đi chút xíu nữa thôi rồi về. Có xe buýt ra đó mà!Nhưng nghe tới xe buýt, Bá lại càng giãy nãy lên:
- Không đi xe buýt đâu, nhức đầu lắm. Ngồi đây một lát rồi về. Mày có đi thì đi một mình đi!
Không lẽ để Bá ở lại mà đi chơi? Bá biết tôi không thể làm vậy được nên mới nói thế. Tôi đành tiu nghỉu ngồi nghỉ cùng Bá rồi đi một đoạn nữa ra bến xe Long Biên để đón xe về Phủ Lỗ. Ấm ức vì chưa "thỏa chí" đi chơi nhưng lại chùng lòng khi thấy Bá gà gật đầy mệt mỏi trên xe. Có lẽ, Bá cũng chịu được thêm mỗi chuyến xe này nữa thôi. Nắng trưa gay gắt. Không còn nhận ra Hà Nội, nếu không có chất giọng Bắc lao xao, chắc tôi cứ ngỡ mình đang trên một chuyến xe buýt nào đấy ở Sài Gòn.
(Còn tiếp)
Phần 1
Phần 2
Phần 4
Phần 5