HÀNH TRÌNH 38 GIỜ
Xình xịch… xình xịch…
Gió thổi vào lồng lộng. Nhìn ra ngoài, khung cảnh thật lạ, đúng chất quê. Cứ tưởng là đã ở đâu đâu rồi chứ không phải là Thủ Đức hay Bình Dương. Thoáng thế này chắc là Bá không say đâu, tôi đinh ninh thế. Trước khi đi, Mẹ, Hoan và mọi người cũng dẹp tan lo lắng của Bá "Đi xe, đi máy bay thì say chứ đi tàu thì say cái nỗi gì!". Nhìn cảnh bên ngoài mãi cũng chán, trời lại hắt nắng nên trông điệu bộ ai cũng có vẻ hơi buồn ngủ.
Ngồi đối diện tôi và Bá là hai mẹ con. Chị ấy trẻ măng còn cô con gái xinh xắn đâu chừng 4 tuổi. Cô bé cứ ăn uống, nói chuyện với mẹ liến thoắng. Đang tự hỏi bố bé đâu thì anh chồng ngồi ở ghế đâu lưng lại với vợ cứ ngó lên hỏi han. Rồi thì bỏ cả ghế của mình để bon chen lên ngồi chung với vợ con, thành ra chỗ tôi lúc nào cũng chật hơn bình thường. Quân cứ nhìn sang tôi và Bá. Lẽ dĩ nhiên khi nó được giao nhiệm vụ hộ tống hai bà chị, có sơ suất gì nó cũng chẳng được yên ổn ăn Tết. Quân ngồi phía trong, bên là cửa sổ, bên là một cô gái khá dễ thương. Đối diện Quân cũng là hai người phụ nữ, một trung niên, một lỡ lỡ. Nhìn nó gãi gãi đầu, tôi biết nó hiểu hai chị nó đang nghĩ gì. Chẳng là tụi tôi vẫn hay chọc, đi tàu kiếm được em nào về ra mắt luôn đi. Mấy chuyện này đâu có xa lạ gì, hai chị em dâu họ xa lắc xa lơ của tụi tôi bây giờ vốn cũng bắt đầu từ một chuyến tàu Nam-Bắc đấy thôi!
Trên tàu, quay đi quẩn lại nhiều cũng chẳng biết làm gì. Có lúc đã tưởng mình thèm ngủ, cho ngủ bao nhiêu cũng không biết chán. Thế mà ở đây ngủ mãi, ngủ đã đời, mở mắt dậy thấy mình cũng chỉ "giết" được có 1 giờ đồng hồ. Rồi lại ăn vặt. Mẹ và Bá đã chuẩn bị biết bao nhiêu thứ ăn vặt, đều để bên tôi và Bá cả nên cứ chuyền sang, chuyền lại bên Quân. Những tia nắng cuối cùng của ngày vừa tắt thì trời xâm xẩm tối. Nhìn đâu cũng thấy đồng không mông quạnh nên có cảm giác trời tối mau cũng nên. Mấy cơn gió lúc nãy, tôi còn thinh thích, ló mặt ra đón lấy, giờ đã cộng hưởng vào cái lành lạnh buổi chiều tối. Có lẽ là do không khí đang tiến từ nóng ra lạnh nữa. Vẫn nhớ câu ngày trước mẹ hay đùa "Đi từ Nam ra Bắc thì mặc áo từ từ. Đi từ Bắc vô Nam thì cởi áo dần dần". Cơm chiều. Ở nhà, tôi chẳng khi nào ăn cơm sớm vậy. Thêm nữa chẳng đứa nào thấy đói lắm nên đến lúc người ta ăn xong bữa hết mình mới bắt đầu ăn. Cũng chỉ là ăn cho xong chuyện. Cơm tàu. Tôi nghĩ ngay đến một số lượng cực lớn. Tôi nghĩ ngay đến việc đầu bếp phải trung hòa khẩu vị của cả ba miền. Thế nên cái vị nhàn nhạt đó làm tôi và Bá chẳng nuốt được nhiều. Bá có vẻ mệt mỏi, dường như chỉ động được vài hột cơm đúng nghĩa. Chẳng hào hứng nổi để cùng reo lên với tôi cảnh đồi núi hoành tráng hay cảnh biển mờ mờ trong ánh sáng nhập nhoạng như lúc đầu!
Bá nằm bẹp thật sự làm tôi với Quân cứ quýnh cả lên. Say tàu. Giờ tôi mới bắt đầu dán thuốc cho Bá. Bá chẳng nuốt thêm được thứ gì mà sau mỗi lần tàu dừng tránh tàu khác rồi lại đi là mỗi lần Bá… hò. Thêm tiếng tàu xình xịch… xình xịch… làm người đang mệt càng quay cuồng đầu óc, chóng mặt. Quân chạy đi chạy lại trên toa tàu vẫn không tìm đâu ra được túi nylon cho Bá. Không chuẩn bị sẵn nên Quân và tôi cứ phải dồn hết đồ những thứ gì có thể dồn được để lấy túi cho Bá. Tôi đến ngại với gia đình ngồi đối diện chúng tôi, đang gọt lê ăn ngon lành. Cứ tưởng Bá đã dứt cơn thì lại đột ngột buồn nôn. Chẳng còn túi nào có thể sử dụng được nữa, Bá cứ chỉ mãi vào cái túi đựng lê của người ta khiến tôi bối rối hơn. Tôi chưa kịp mở lời xin thì Bá đã giật phắt ngay lấy trước con mắt ngạc nhiên của gia đình họ. Tôi xin lỗi gia đình họ, nhăn mặt với Bá mà cũng phì cười. Có còn cách nào khác đâu.
Tôi vào trong ngồi để Bá có thể dựa vai tôi mà ngủ. Trời mới chừng hơn 8 giờ tối mà tôi thấy mọi người đã lục tục đi ngủ rồi. Đôi vợ chồng đối diện, trải chiếu dưới gầm ghế chúng tôi, ôm nhau ngủ ngon lành. Hai chị em tôi phải để cả chân lên ghế không thì đạp lên người họ mất. Tôi cứ dỗ Bá ngủ để quên đi cơn buồn nôn. Quân đã thử để Bá nằm dưới gầm ghế bên phía nó nhưng bà chị “nhõng nhẽo" của tôi và nó nằm được một phút rồi bật ngược dậy ngay "Nằm còn muốn hò hơn đó, khó chịu lắm!". Cuối cùng Bá vẫn cứ nhắm nghiền mắt, vật vờ trên vai tôi như một đứa trẻ. Ngủ không được. Thức không xong. Tô cháo đêm, Quân mua cho, Bá cũng không ăn trọn.
Tiêu hết không biết bao nhiêu túi nylon và mấy bịch khăn giấy của tôi thì Bá cũng nằm yên yên được. Trời càng về khuya càng lạnh. Tắt đèn, chỉ còn ánh sáng nhờ nhờ như ánh đèn ngủ ở nhà. Đâu đó trong toa, tiếng trẻ con khóc ré lên… Tôi với Quân tỉnh như sáo. Với lấy mấy hộp sữa để chắn trên cửa sổ, chỉ vài tiếng, chúng tôi đã có ngay những hộp sữa mát lạnh như mới lấy từ trong tủ lạnh ra. Tiếng cô xướng ngôn viên trên loa báo cho biết chúng tôi có chừng 5 phút ở ga Nha Trang. Tôi không xuống được vì phải trông chừng Bá, mà 5 phút xuống cũng chẳng để làm gì. Quân ghé xuống thật nhanh, chạy đâu mua cả một lốc túi nylon. Nói thật là tôi cũng không nghĩ đến. Thế nhưng công nó thành công cốc vì từ ga Nha Trang đi, Bá đã tinh tỉnh rồi. Có thể trò chuyện được, chắc là thuốc đã hiệu nghiệm.
Chập chờn nửa tỉnh nửa mơ. Đến Đà Nẵng, đâu chừng 4 giờ sáng. Tôi và Quân xuống ga. Co rúm người trong cái áo khoác dày cộp vẫn không làm tôi thấy ấm hơn. Ga chăng đèn sáng trưng. Người người lên xuống tàu, mua quà bánh đông đúc nhộn nhịp. Không khí lạnh thế này làm tôi sảng khoái hẳn. Khẽ so vai một chút, hít vào rồi thở ra một làn khói, tự nhiên thích chí muốn reo lên. Ra lạnh thở ra khói là thế này đây! Quân từ đâu chạy lại, nó đã gọi điện về nhà báo cáo với mẹ rồi. Quân bằng tuổi tôi, sinh trước tôi chừng 3 tháng. Nó là người kỹ tính, ham học hỏi và trước giờ vẫn hay chu đáo vậy.
Không ngủ được nên tôi có thể ngắm bình minh từ sớm. Ngồi trên tàu, nhìn qua lại vẫn chỉ đồng ruộng, đồi núi hay những dải đất hoang tàn mênh mông. Một ngày dài vô tận và dường như vô nghĩa. Những lúc tàu dừng vài phút ở các ga, vài người bán hàng rong nhảy lên qua đường cửa sổ, trà trộn ngồi lẫn vào khách, chào mời, rồi lại ù té chạy khi thấy bóng những nhân viên mặc sắc phục ở phía cửa toa. Vài ánh mắt thương hại, cảnh giác, nghi ngờ… Một cô bán hàng áo xống xuề xòa, giọng Huế đã được pha trộn thêm vài vùng miền lân cận dọc theo đường tàu, khẽ đay "Tui bán hàng chứ có ăn cắp chi mô mà dòm!". Tàu chuyển bánh, họ lại nhảy xuống, tiếp tục cuộc mưu sinh.
Bá đã có thể tự đi lại rửa mặt, nói cười và nhất định không chịu ra ngoài ngồi nữa vì… lạnh. Trời về khuya lạnh đến run người dù mọi cửa sổ đã đóng kín. Nhìn ra màn trời tối bưng, không dưng lúc này, tôi lại nhớ tới kí ức xa xưa, đâu chừng tôi mới học lớp 2, lần đầu về quê cùng mẹ. Chuyến tàu gặp cướp cứ náo loạn cả lên. Tôi còn cảm giác rõ nỗi sợ hãi khi chân của một ai đó thò vào cửa sổ ngay phía chỗ tôi ngồi. Tôi nhớ mẹ đã la lên bảo cái chú ngồi trên cố đóng cửa sổ ra sao. Cả cái hiếu kỳ khi mấy nhân viên mặc sắc phục lôi xềnh xệch hai người nào đó đi về phía đầu toa tàu…
Người đã xuống bớt ở các ga trước nhưng chỗ tôi vẫn không thiếu mặt một ai. Khi mua vé, tôi đã canh giờ về ngang quê mình đúng 12 giờ đêm. Một phần vì ngẫu nhiên hợp đúng ngày giờ đi - đến, một phần tôi muốn Quân khỏi chột dạ "Đến quê mình mà còn không được xuống"… Vậy nhưng đi ngang ga quê mình, ba chị em vẫn cố ngó ra dù chẳng thấy được gì trong màn đêm đen kịt này.
Lại lục tục người xuống. Chỗ Quân, giờ chỉ còn mỗi nó. Tôi bon chen sang đấy nhường ghế cho Bá nằm. Lạnh quá đi mất thôi. Lạnh đến không ngủ được! Chợp mắt rồi lại phải mở mắt ra vì… lạnh. Thôi thì thức trọn đêm vậy, cũng còn vài tiếng nữa đến Hà Nội rồi. Đi qua ga Nam Định, rồi vào ga Hà Nội. Chẳng hình dung gì được nhiều về những vùng đất mình đi qua. Từ tàu nhìn ra, trông thành phố nào cũng từa tựa như thế, cũ kỹ. Tự nghĩ sao người ta chẳng thể trang hoàng cho những trung tâm thành phố, nơi tàu đi qua có thể đẹp và đặc trưng như vùng đất ấy. Hành khách chỉ cần nhìn qua đôi chút cũng có thể biết được điều gì đó về quê hương họ, thế chẳng hay hơn sao! Mang giày vào cho ấm chân, sắp xếp lại đồ đạc. Nếu không có Quân, không biết ai lôi những thứ từ trên cao ấy xuống cho hai chị em nữa! Gia đình ngồi chung với tôi và Bá đã gọi điện hẹn người nhà ra rước. Kết thúc hơn 38 giờ ngồi trên tàu, tụi tôi lang tang xuống ga, không rõ có ai và những gì đang đón mình…
No comments:
Post a Comment