Một “công trình”. Bằng thời gian này năm ngoái. Tìm 1 cái tựa cho nó. Nghĩ mãi mới ra, thế mà khi search thử, hoá ra người ta cũng đã đi trước mình. Kệ, dù sao vẫn cứ là tự mình nghĩ ra!
QUY HƯƠNG KÝ
10 phút nữa tàu chuyển bánh. Tiếng cô xướng ngôn viên đã oang oang trên loa: "Hành khách chú ý, hành khách chú ý, xin quý khách ổn định chỗ ngồi để đoàn tàu TN4 từ Sài Gòn đi Hà Nội chuẩn bị rời ga…".
Tôi, Bá và Quân đã sắp xếp xong mọi thứ ở số ghế của mình. Dãy ghế trái, chỗ Quân ngồi gần cửa sổ, mọi người đang đứng đợi để chia tay. Có Khét, Hoan, người yêu Bá và vợ chồng chị Xuyên đang rôm rả hỏi chuyện. Mẹ chẳng biết chạy đâu mua hai cái chiếu con vì lo chúng tôi không có cái để nằm, dù rằng tôi và Bá đã bảo "Thôi khỏi đi, mẹ!". Trong cảnh nhốn nháo, L. chạy vội vào sân ga, lên cả tàu tìm tôi. Nghe mẹ nói "Thằng L. tới kìa", tôi hơi ngạc nhiên, không biết số ghế, toa tàu mà tìm ra hay thật.
Giữa một rừng người, ngổn ngang thứ thế này, tôi bước ra để L dễ thấy. Có lẽ sẽ là một cảnh phim hay nếu mối quan hệ giữa tôi và L. trên mức bình thường. L. trách "L. kêu đợi L. rồi mà…". Nếu gắt L. thì chắc chẳng còn đứa con gái nào vô duyên hơn tôi, người ta đã cất công chạy đến đây tiễn mình còn muốn gì nữa. Ngay cả khi tôi nhờ Duyên đưa ra ga, nó cũng ngại trời nắng huống chi là không nhờ, không nói gì như L. Tôi chỉ bảo "Trời, thấy bạn này te te đi về, ai biết bạn này có đi không, đợi đến 12 rưỡi không thấy bạn này thì phải đi chứ trễ tàu sao!". L. đưa tôi một túi quà, chúc tôi về quê ăn Tết vui vẻ. Lòng biết ơn, miệng cảm ơn L. nhưng đầu vẫn nghĩ "Trời, có cần cầu kỳ, trang trọng như vậy không?". Bá cười đầy ẩn ý "Rồi đó, có nói gì chia tay chia chân thì nói đi!". Ủa, thì nói vậy thôi chứ nói gì nữa.
Giọng cô xướng ngôn viên lại vang lên, L. xuống tàu nhập cùng mẹ, người yêu Bá và mấy anh chị em khác. Tôi, Bá và Quân toét miệng cười, đưa tay vẫy tạm biệt lần thứ ba, tàu mới thật sự rời ga. Xình xịch… xình xịch… Vậy là đi thật rồi. Mẹ, L. và những người khác đã không còn trong tầm mắt. Đến lúc này mấy chị em mới dám tin là mình ra Bắc.
*
Chẳng hiểu sao lần này tôi lại "máu" về quê đến vậy, có lẽ là nghe mọi người bàn tán năm nay mừng thọ ông 90. Ông với chúng tôi không chỉ là ông mà còn như người bố thứ hai. Bao năm mới có một dịp ông thượng thọ, lẽ không có đứa cháu nào về? Hơn nữa cũng 13 năm rồi, tôi chẳng biết quê là gì. Những điều đó cứ thôi thúc tôi mãi.
Từ tháng 10, tôi đã tuyên bố với cả nhà: "Tết này con về quê!". "Về với ai?", mẹ hỏi. Tôi thừa biết không thể về cùng mẹ vì mẹ mới ra vào hè hai năm trước, vả lại mẹ về, ai lo chuyện cúng kiếng, tết nhất trong này! Tôi mạnh miệng "Không ai về thì con về một mình". Quân hào hứng "Hay tôi với chị về đi!". Bá bon chen "Tao đi với!". Tôi 13 năm chưa về quê thì Bá lại "thâm niên" hơn với con số 16 năm. Quân cũng muốn về dù mới vào đây năm rồi. Quả thật, nếu không có nó đi cùng, chưa chắc mẹ tôi đã yên tâm để hai cô con gái lơ ngơ ra Bắc. Vậy là thống nhất. Kế hoạch của tôi nhanh chóng được hưởng ứng: Ra Hà Nội, ghé lên Thái Nguyên rồi mới quay về quê. Hà Nội, cả ba chị em đều chưa đặt chân đến, tôi muốn tranh thủ đi lần này cho biết. Mà đã ra đến Hà Nội rồi, lẽ nào không ghé qua nhà mẹ Oai ở Thái Nguyên, nơi có nông trường ông từng làm việc sau khi giải ngũ, nơi có những bác, mẹ, anh chị, cháu chắt tôi chưa biết mặt bao giờ. Kế hoạch này được chị em tôi xem là "tuyệt mật" vì sơ hở một tí cho đại gia đình ngoài kia biết là nghe đầy tai ngay "Tụi nó không chịu về quê ngay mà còn đi chơi Hà Nội, ra nhà bác nó, để cả nhà ngóng chờ thế này…". Còn về quê rồi mới xin phép đi? Ai cũng thừa biết đó là điều không tưởng…
Lần đầu tiên ga Sài Gòn tổ chức bán vé qua mạng internet. Tôi miệt mài vào đăng kí tài khoản rồi đặt vé. Mạng ngoài dịch vụ, thật khó mà chen chân vào được. May mắn sao, gặp một người bạn nhiệt tình giúp đỡ, cuối cùng tôi đã có được phiếu đặt vé. Lúc tôi về rủ Bá ngày ra mua vé, mẹ ngớ người "Ớ, quân này định đi thật ấy ta!". Có lẽ, mẹ cứ đinh ninh tụi nó nói thế chứ làm như dễ mua vé lắm đấy! Cái sự đi mua vé cũng khá trần ai, số là ngày người ta hẹn mua vé lại rơi đúng vào ngày tôi thi. Hai chị em lọc cọc ra ga từ sớm. Ga hơi lạ lẫm với tôi. Nhìn mô hình đoàn tàu phía ngoài, tôi tò mò không biết tàu sẽ chạy từ đâu ra? Lần duy nhất mường tượng được về cái ga này cách đây cũng 13 năm rồi còn gì! Hơn nữa, bình thường tôi có bao
giờ tự mình đi mua vé thế này đâu.
Các phòng vé đông đúc người đứng đợi. Vẻ mệt mỏi hiện rõ trên những gương mặt đang nóng lòng về quê. Người trước người sau tranh nhau số thứ tự, có vài nơi cãi nhau ỏm tỏi cả lên… Nghe nhiều về cò vé ở đây nhưng hình như tôi không có duyên gặp những người như vậy. Bá lại khác, đứng đợi tôi một lúc mà có đến mấy người cứ lảng vảng chào mời "Mua vé hả em? Đi đâu đấy? Em mà chờ mua thì lâu lắm, đưa anh mua giúp là có ngay…". Tôi lấy được số thứ tự đâu cũng hai mấy mà vài bà vài cô cứ nhìn… thèm thuồng, vì họ chầu chực ở ga mãi chỉ được số từ 100 trở đi thôi! Với số thứ tự đó, tôi còn phải chờ dài cả cổ, biết chừng nào mới tới họ bây giờ? Có cái sự về quê mà cũng phải khổ thế! Chờ mãi, gần đến giờ thi mới đến số mười một. Chờ nữa khéo tôi bỏ thi mất. Bá phải chạy vội đưa tôi ra trạm xe buýt rồi vòng về, lòng cứ lo lo họ kêu số mà không có mình ở đấy thì phải tiếp tục cái điệp khúc "đợi" nữa…
Đi thi về, tôi chỉ lo ngóng Bá để thấy được ba cái vé mà mình đã bỏ bao công sức vào đấy! Nhìn ba cái vé, mẹ biết kế hoạch của tôi không phải là lời nói vui nữa rồi! Tôi nhận ra mẹ bắt đầu có những lo lắng thực sự về lộ trình, nơi ăn chốn ở… Xưa giờ có khi nào mấy đứa con của mẹ đi xa vậy mà không có mẹ theo cùng đâu. "Ra đến đâu là phải gọi điện về báo cho mẹ một tiếng", "Thằng Tri, con bác Thao nghe đâu gác lăng Bác. Đến Hà Nội, thử liên hệ với nó xem sao!"… Ngơ ngác trước những người họ hàng giờ mới nghe tên, mẹ phải lý giải thêm "Em thằng Hòa hôm trước xuống nhà mình chơi ấy!", tụi tôi mới "à" lên được một tiếng. Tôi biết vẫn còn nhiều nhiều lắm những cô bác, anh chị em như thế của gia đình mình ở rải rác trên khắp chiều dài hình chữ S. Có điều, ngay đến mẹ cũng còn lơ mơ, nhiều người phải kể rõ con ai, gốc gác nào đến mấy đời mới nhận ra được họ hàng. Mẹ vẫn bảo "Ra đường có khi đánh nhau vỡ mặt mới nhận ra anh chị em" đấy còn gì!
Ngày đưa ba chị em ra ga, tôi bấn loạn với lỉnh kỉnh đồ đạc chưa chuẩn bị xong. L. đến chơi nhưng tôi cứ chạy lên xuống như con choi choi, chẳng dừng lại để nói với L. được câu nào. L. thấy vậy nên về, hẹn lát nữa quay lại sau. Chú Ánh, bố Quân từ quê gọi điện vào làm cả đám thót tim. Chắc hôm tôi và Bá sang nhà chú M. chào về nên thông tin bị "rò rỉ". Mẹ bắt máy, mà ai cũng biết tính mẹ rồi, có nói dối ai được bao giờ. Quanh co vài câu, mẹ cũng nói thật lộ trình rồi dặn chú ấy giữ kín để mọi người khỏi trông! Ăn uống vội, nghỉ đâu được vài phút là xuất phát. Ngó đi ngó lại, đầy đủ cả nhưng cuối cùng vẫn cứ quên những thứ lặt vặt kiểu vầy: Hai cuốn lịch của trường, tôi định đem về biếu hai bên và pin máy chụp hình.
Đồ đạc, quà cáp cứ gọi là lung tung cả lên. Lập cập sợ trễ tàu. Quân bảo "Đúng là con gái, rắc rối!" trước những túi to túi nhỏ của hai chị em, vì nó chỉ có mỗi cái balô là xong hết. 25 Tết, trời vẫn nắng gay người. Mồ hôi mồ kê nhễ nhại, ấy là những người phải xách nặng, như Quân, người yêu Bá và chồng sắp cưới của chị Xuyên. Vợ chồng chị Xuyên hẹn gặp tụi tôi ngoài Thái Nguyên, nếu ra kịp. Có muốn cưới xin gì trong đây, anh Tâm cũng phải ra Bắc để trình diện họ hàng nhà vợ. "Ông anh rể" Bến Tre cứ bị mấy đứa em dọa ra đó có lệ con rể phải "kính" các ông, các bác vài chai, "kính" khách vài ngày nên sợ xanh mặt "Ủa, kỳ vậy, chỗ anh đâu có cái lệ đó". Thấy anh ấy cứ dò hỏi mãi mà tụi tôi buồn cười…
(Còn tiếp)
to be continued...i'm waiting...
ReplyDelete^,^